Dự án 2.400 tỷ mở rộng sân bay duy nhất tại Việt Nam chỉ khai thác 1 chặng, được xây dựng từ thời Pháp thuộc gặp khó
Tổng nhu cầu vật liệu của dự án lên đến hơn 2 triệu m3, trong đó gồm 1.620.000m3 cát san nền, 130.000m3 cát bê tông và cát hạt trung, 70.000m3 đá bê tông và 270.000m3 cấp phối đá dăm.
Theo báo Lao Động, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Cà Mau thành lập Tổ công tác phối hợp rà soát thông tin và trữ lượng vật liệu xây dựng tại địa phương, đồng thời mở rộng khảo sát sang các tỉnh lân cận nhằm xác định nguồn cung khả thi phục vụ dự án mở rộng Cảng hàng không Cà Mau.
Theo ACV, tổng nhu cầu vật liệu của dự án lên đến hơn 2 triệu m3, trong đó gồm 1.620.000m3 cát san nền, 130.000m3 cát bê tông và cát hạt trung, 70.000m3 đá bê tông và 270.000m3 cấp phối đá dăm. Trường hợp không đủ trữ lượng, ACV kiến nghị địa phương xem xét cập nhật nguồn cung từ tỉnh khác hoặc nguồn nhập khẩu, đồng thời điều chỉnh công bố giá vật liệu phù hợp với thực tế thị trường.
ACV cũng đề xuất UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho phép đưa dự án sân bay Cà Mau vào danh mục công trình được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện khai thác các mỏ vật liệu tại địa phương lân cận phục vụ riêng cho dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lâm Văn Bi, cho biết khó khăn về vật liệu không chỉ ảnh hưởng đến dự án sân bay mà còn tác động đến nhiều công trình trọng điểm khác như tuyến cao tốc Cà Mau – Đất Mũi hay đường nối đất liền với cảng Hòn Khoai, do các yêu cầu kỹ thuật cao trong xây dựng.
Tỉnh Cà Mau hiện không có mỏ cát, đá hay vật liệu xây dựng, toàn bộ vật liệu đều phải nhập từ các tỉnh khác. Do đó, tỉnh dự kiến kiến nghị Thủ tướng đưa các dự án lớn trên địa bàn vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia để được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu. Song song đó, địa phương sẽ làm việc với các tỉnh có tiềm năng mỏ vật liệu để tìm kiếm giải pháp cung ứng dài hạn và bền vững.
Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau có tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV. Dự án sẽ giải phóng hơn 105ha đất tại phường Tân Thành (TP. Cà Mau), ảnh hưởng đến đất của 3 tổ chức và trên 600 hộ dân. Đây là một trong những dự án giao thông then chốt của tỉnh, bên cạnh cầu Gành Hào, kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện Cảng hàng không Cà Mau là sân bay duy nhất trên cả nước chỉ khai thác một đường bay khứ hồi Cà Mau – TP. HCM. Việc mở rộng, nâng cấp sân bay được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều đường bay mới trong thời gian tới.
Sân bay Cà Mau xưa kia vốn có tên gọi là phi trường Moranc. Được khởi công xây dựng từ thời Pháp thuộc nhằm phục vụ cho không lực Hoa Kỳ và Quân Lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau khi chiến tranh kết thúc, sân bay được sáp nhập vào cụm Cảng hàng không miền Nam, chính thức có tên gọi là Cảng hàng không Cà Mau. Đến năm 1995, sân bay mới chính thức được đưa vào sử dụng với mục đích dân sự.
> > Trung tâm thương mại Aeon Mall tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam sắp đi vào hoạt động