Dự án 86.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG) sắp chạm mốc 25 triệu tấn thép
Các dự án của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tại Khu kinh tế Dung Quất đã tạo việc làm cho khoảng 19.000 lao động trực tiếp, cùng hàng chục nghìn lao động từ các nhà thầu và đối tác.
Trong chuyến thăm và chúc Tết tại CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất sáng ngày 14/1/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình bày tỏ mong muốn Hòa Phát (mã HPG - HoSE) nghiên cứu sản xuất ray thép chất lượng cao phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tặng quà CBCNV Thép Hòa Phát Dung Quất |
Ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, báo cáo Phó Thủ tướng rằng Tập đoàn Hòa Phát đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án tại Khu kinh tế Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 180.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (86.000 tỷ đồng) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (85.000 tỷ đồng). Khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành và hoạt động hết công suất, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, đưa tập đoàn dự kiến lọt vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Các dự án của Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất đã tạo việc làm cho khoảng 19.000 lao động trực tiếp, trong đó lao động địa phương chiếm hơn 80%, cùng hàng chục nghìn lao động từ các nhà thầu và đối tác. Đầu tháng 2 tới, Hòa Phát dự kiến chạm mốc 25 triệu tấn thép được sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, đánh dấu năm thứ 8 đầu tư tại khu vực này.
Theo báo cáo của Chứng khoán ACB (ACBS) về ngành xây dựng hạ tầng năm 2025, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
ACBS kỳ vọng đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025, khi các luật mới chính thức có hiệu lực, bao gồm Luật Đầu tư công (sửa đổi) từ ngày 1/1/2025 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) từ ngày 15/1/2025. Những quy định pháp luật mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các rào cản pháp lý và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ dự kiến triển khai thêm nhiều dự án trọng điểm, tiêu biểu là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Hòa Phát (HPG), một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép, được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ xu hướng giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. ACBS dự báo nhu cầu thép xây dựng sẽ tăng mạnh trong năm 2025 nhờ các dự án lớn như sân bay Long Thành và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sản lượng thép xây dựng dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2024, trong khi biên lợi nhuận được kỳ vọng duy trì ổn định nhờ nhu cầu vững chắc và giá thép ổn định.
Việc đẩy mạnh đầu tư công không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng hạ tầng mà còn tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nguyên vật liệu, đặc biệt là những công ty dẫn đầu như Hòa Phát.
Trong tháng này, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ ghi dấu mốc đặc biệt quan trọng
‘Chốt sổ’ 2024, tỉnh đặt 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thu hút đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng