Bất động sản

Dự án cao tốc hơn 38.000 tỷ, nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung có điều chỉnh mới

Việt Hoàng 10/01/2025 09:40

Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ trở thành trục giao thông Đông - Tây kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông quốc gia.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án điều chỉnh hướng tuyến và quy mô đầu tư xây dựng dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, kéo dài đến Khu công nghiệp và Bến cảng Phù Mỹ.

Theo kế hoạch, tỉnh giao Ban Quản lý Dự án giao thông chủ trì, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông vận tải để cập nhật các nội dung điều chỉnh và bổ sung vào dự án.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, tuyến cao tốc sẽ bắt đầu từ điểm giao với đường ven biển ĐT.639 (lý trình khoảng Km 49+282), thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ và kết thúc tại vị trí dự kiến xây dựng hầm An Khê, nằm trên ranh giới hành chính giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đoạn tuyến đi qua tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 69,3km, trong đó có 30km sẽ tận dụng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT01).

>> Hé lộ ‘quân bài chiến lược’ giúp Vinhomes thu về hơn 10 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2026

Trước đó, ngày 5/12/2024, UBND tỉnh Bình Định đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông vận tải, trong đó nêu rõ việc giao Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan để nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phương án hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Việc điều chỉnh điểm đầu tuyến cao tốc nhằm kết nối trực tiếp với Bến cảng Phù Mỹ được đánh giá là cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa mà còn tạo điều kiện phát triển hệ thống giao thông phục vụ khu công nghiệp và cảng biển.

Bến cảng Phù Mỹ với diện tích gần 1.500ha được định hướng là khu chức năng (công trình giao thông - cảng biển) gắn liền với khu công nghiệp tập trung, đa ngành, tăng cường thu hút các loại hình công nghiệp phù hợp với định hướng cho KCN Phù Mỹ. Trong tương lai, nơi này hứa hẹn sẽ trở thành cảng biển trung chuyển hàng hóa lớn của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Được biết, theo phương án điều chỉnh được UBND tỉnh Bình Định đề xuất, tổng mức đầu tư dự án dự kiến tăng từ 35.940 tỷ đồng lên 38.419 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng từ 13.790 tỷ đồng lên 16.269 tỷ đồng. Chiều dài toàn tuyến tăng từ 122,9km lên 154,9km, riêng địa bàn Bình Định tăng thêm 32km.

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu hoàn thành và đưa tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vào khai thác trước năm 2030.

Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cảng biển miền Trung với khu vực Tây Nguyên, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường cao tốc của Việt Nam.

Khi hoàn thành, tuyến đường không chỉ nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố quốc phòng - an ninh cho tỉnh Bình Định, Gia Lai và khu vực Duyên hải miền Trung.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku cũng sẽ trở thành trục giao thông Đông - Tây kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông quốc gia.

>> Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA làm dự án đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân

Đại công trường cao tốc hơn 11.000 tỷ nối cửa khẩu quốc tế lớn nhất Việt Nam do liên danh Đèo Cả thực hiện những ngày cận Tết

Tuyến cao tốc gần 40.000 tỷ nối TP. HCM với 2 tỉnh kinh tế trọng điểm ĐBSCL đón tin vui

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/du-an-cao-toc-hon-38000-ty-noi-tay-nguyen-voi-duyen-hai-mien-trung-co-dieu-chinh-moi-202250109103206775.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dự án cao tốc hơn 38.000 tỷ, nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung có điều chỉnh mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH