Dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD: Việt Nam tự lực, không phụ thuộc vào nước ngoài
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ không cạnh tranh trực tiếp với hàng không, mà bổ trợ cho nhau. Dự án dự kiến khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2035, với nguồn vốn đầu tư công và quyết tâm tự lực tự cường.
Chiều 1/10, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã tổ chức họp báo để trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Nguồn vốn đến từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ, và đi vay... "Chúng ta làm đường sắt tốc độ cao trên tinh thần tự lực tự cường, Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc. Chúng ta xác định đầu tư công dựa trên các phương án cân đối nguồn vốn trong nước và vay vốn nước ngoài với điều kiện ưu đãi và ít ràng buộc. Điều kiện lớn nhất là chuyển giao công nghệ cho Việt Nam" - ông Huy cho hay.
Về thi công, cơ quan thực hiện sẽ mời tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu trong nước, quốc tế cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc. Về nhân lực, Thứ trưởng khẳng định công tác đào tạo trong nước và đào tạo nước ngoài đã được tính đến.
"Việc chọn công nghệ nước nào phụ thuộc vào điều kiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ra sao, sau đó mới quyết định lựa chọn" - ông Huy trả lời một trong những vấn đề mà dư luận băn khoăn nhất.
Tàu cao tốc không giành khách từ hàng không, đường bộ
Đường sắt tốc độ cao chiếm hoàn toàn ưu thế ở cự ly 150 - 800km |
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thực tế các chặng bay cự ly dưới 500km thường không có lợi nhuận. Các hãng đang lấy lợi nhuận từ chặng bay dài để bù lỗ cho chặng ngắn. Tình trạng mất cân đối này cũng đang diễn ra khi trên chặng Hà Nội - TP.HCM vẫn có những chuyến xe vận tải khách chạy xuyên suốt bằng đường bộ. Nói cách khác, hàng không và đường bộ đang phải đảm nhận vận tải hành khách trên các cự ly không có ưu thế.
Cụ thể, đối với vận tải hành khách, cự ly ngắn (dưới 150km) ưu thế thuộc về đường bộ; cự ly trung bình (150 - 800km) đường sắt tốc độ cao chiếm hoàn toàn ưu thế; cự ly dài (trên 800km) thị phần chủ yếu thuộc về hàng không và một phần của đường sắt tốc độ cao.
"Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần quan trọng trong cơ cấu lại thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức theo hướng bền vững. Đồng thời, sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông, giảm các hệ lụy khác như giảm phát thải môi trường. Như vậy, không phải đường sắt tốc độ cao triệt tiêu đường hàng không mà hai loại hình vận tải này sẽ bổ trợ cho nhau. Khi có đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam, hàng không sẽ 'nhường lại' các chặng ngắn cho đường sắt phát huy ưu thế" - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.
>> Tập đoàn Đèo Cả muốn doanh nghiệp Trung Quốc cùng tham gia làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam 70 tỷ USD
Dự án sẽ khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035 liệu có khả thi?
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thừa nhận Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm đường sắt cao tốc. Bên cạnh đó, với các dự án hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng thường là thách thức lớn nhất. Nhiều dự án dự kiến giải phóng mặt bằng trong 3 năm nhưng kéo dài lên 5 - 6 năm. Tuy nhiên, đây là dự án đặc biệt, sẽ được thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước.
Về lợi thế, Việt Nam đã có đội ngũ có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng. Ví dụ, cầu dây văng Mỹ Thuận 2, Việt Nam đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Về hầm, Việt Nam có những doanh nghiệp hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần. Việt Nam có 2 cơ sở công nghiệp đường sắt như nhà máy Xe lửa Dĩ An và nhà máy Xe lửa Gia Lâm phát triển từ thời Pháp, hiện nay đã có đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại, bao gồm cả máy cắt CNC.
Việt Nam có đội ngũ có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng |
Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ đề xuất các chính sách đặc thù để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng như tái định cư, hạ tầng kỹ thuật; giao rõ trách nhiệm cho mỗi tỉnh một tiểu dự án mặt bằng... Đi kèm với mốc tiến độ hoàn thành vào năm 2035, các vấn đề khác như đào tạo nguồn nhân lực cũng đã được lên kế hoạch và triển khai cụ thể.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, phân bổ trong 12 năm, mỗi năm trung bình khoảng 5,6 tỷ USD.
>> Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Các công ty nào sẽ hưởng lợi từ 'miếng bánh' 70 tỷ USD?