Trong hành đến Nam Cực lần thứ 4 này, đoàn của anh Hiếu đã gặp một đoàn khách Việt Nam khác trên tàu Hondius. Họ đã cùng nhau chụp ảnh cờ đỏ sao vàng dưới nền tuyết trắng, ghi lại giây phút hạnh phúc tột độ mà có thể “cả đời chỉ có một lần”.
Anh Hoàng Phụng Hiếu (39 tuổi, ở Hà Nội) từng đặt chân đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chinh phục hết 7 châu lục, 2 vùng cực châu Nam Cực và vùng Cực Bắc Na Uy, Greenland.
Trong đó, có những nơi anh đã khám phá nhiều lần và để lại ấn tượng, cảm xúc khó quên nhất là châu Nam Cực với 4 chuyến thám hiểm lần lượt vào các thời điểm: tháng 12/2019, tháng 11, 12/2022 và gần đây nhất là tháng 12/2023.
“Đa phần du khách Việt đều nghĩ châu Nam Cực là một vùng đất xa xôi, lạnh lẽo và rất khó để tiếp cận. Nhưng khi có cơ hội đến đây, được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng tuyết trắng, cuộc sống của các loài động thực vật và hiểu lịch sử hình thành, cấu tạo địa chất cũng như cách sự sống tồn tại nơi đây,… thì mình lại càng yêu thích điểm đến này”, anh Hiếu viết trong cuốn sách đầu tay sau 3 lần chinh phục châu Nam Cực.
Người đàn ông Hà Nội tiết lộ, dù đã thám hiểm Nam Cực 4 lần nhưng mỗi lần đều mang lại cho anh những cảm xúc và trải nghiệm rất khác. Chuyến đi lần thứ 4, hồi cuối năm 2023 vừa qua, anh được tham gia một hoạt động mà bản thân thích nhất. Đó là ngắm cả đàn cá voi lưng gù cùng đàn mòng biển bơi ngay gần xuồng cao su.
“Dù đây không phải là lần đầu mình thấy cá voi lưng gù nhưng lần này là gần nhất và cuốn hút nhất. Chưa chuyến nào mình nhìn thấy nhiều cá voi như vậy, từ cá voi vây, cá voi sát thủ cho đến cá voi lưng gù. Và cũng chưa bao giờ xuống xuồng cao su, tiến gần đàn cá voi đến thế”, anh nhớ lại.
(Ảnh: Nguyễn Thị Minh Hải)
Để đến châu Nam Cực, anh Hiếu cùng đoàn khách Việt bay từ Hà Nội sang Paris quá cảnh, rồi bay tiếp đến Buenos Aires. Họ nghỉ một đêm ở khách sạn 5 sao lấy sức rồi hôm sau tiếp tục bay đến thành phố Ushuaia (Argentina) – điểm đến được mệnh danh là “nơi tận cùng thế giới” để đáp tàu đi Nam Cực.
Con tàu anh Hiếu khám phá Nam Cực lần này là tàu Hondius, hãng Oceanwide. Tàu có 80 phòng với sức chứa tối đa 170 khách. Ngoài ra trên tàu còn có nhiều phòng chức năng phục vụ nhu cầu ăn, chơi, giải trí của du khách như quầy bar, phòng đọc sách,…
Một số loài động vật mà anh Hiếu và đoàn khách Việt Nam bắt gặp trên hành trình khám phá châu Nam Cực như hải cẩu báo (Cleopard), chim cướp biển, chim mòng biển mỏ vàng, chim cánh cụt Adélie, cá voi sát thủ,... (Ảnh: Nguyễn Thị Minh Hải)
Hành trình chinh phục Nam Cực lần thứ 4 của anh Hiếu bắt đầu từ cảng Ushuaia (Argentina) rồi băng qua eo biển Drake. Sau 4 ngày di chuyển và sinh hoạt trên tàu Hondius, anh cùng đoàn khách có những trải nghiệm đầu tiên ở “lục địa cuối cùng”, đó là khám phá đảo Portal Point và bến cảng Foyn.
Thời gian dừng chân và khám phá ở đây, anh Hiếu không khỏi thích thú khi nhìn thấy chim cánh cụt Gentoo, hải cẩu Weddel và chim cánh cụt Adelie nằm dài trên những tảng đá và tảng băng trôi. Bên cạnh đó, anh cũng có cơ hội ghé thăm một trong những địa điểm nổi bật mang tính lịch sử trên hành trình này, đó là xác con tàu cá voi Governoren của Nauy bị gặp nạn vào năm 1915.
Hình thù kỳ thú của băng tuyết ở châu Nam Cực khiến du khách Việt không khỏi ấn tượng, giơ máy chụp liên tục (Ảnh: Nguyễn Thị Minh Hải)
Những ngày sau đó, vị du khách người Việt cùng đoàn thám hiểm còn ghé một số điểm đến trong hành trình chinh phục Nam Cực như: Vịnh Thiên Đường – nơi có thể ngắm trọn toàn bộ vẻ đẹp của Nam Cực; Đảo Danko; Đảo Cuverville - nơi có đàn chim cánh cụt Gentoo lớn nhất trên toàn bộ Bán đảo Nam Cực; Vịnh Fournier và quần đảo Orne; Đảo Half Moon và vịnh Whalers,…
“Mình đã đi Greenland, Alaska, vùng Bắc Cực Nauy Svalbard, Iceland..., những nơi cũng rất nhiều sông băng, băng tuyết nhưng quả thật không đâu nhiều và đẹp như Nam Cực. Đi bao lần mà mỗi lần lại mê mẩn ngắm băng tuyết với đủ hình dạng cực kỳ đẹp mắt”, anh Hiếu chia sẻ.
Kết thúc chuyến đi, tàu dừng chân tại cảng ở Ushuaia. Từ đây, anh Hiếu lên máy bay trở về Việt Nam, kết thúc một hành trình đáng nhớ.
Anh Hiếu cho biết, hành trình của đoàn đi Nam Cực theo con đường gần nhất là đi tàu từ thành phố tận cùng thế giới Ushuaia, vượt qua eo biển Drake - biên giới giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tuy nhiên đây là hành trình phải chấp nhận tàu gặp những cơn sóng khá mạnh. Điều này khiến một số du khách không tránh khỏi tình trạng bị say sóng.
"Tour Nam Cực di chuyển chủ yếu bằng tàu thám hiểm trên biển nên say sóng là thử thách cam go nhất cho mọi hành khách. Nhưng kinh nghiệm của mình sau 4 lần đi Nam Cực đó là nên nghỉ ngơi ở các chặng bay, rồi dán cao chống say sóng trước khi tàu khởi hành, không bỏ ăn và nên ăn những thực phẩm như bánh mì, bánh quy, nước lọc, tránh ăn đồ chua cay. Đôi lúc, mình ra boong hít thở không khí trong lành, nhìn về chân trời…
Những điều trên đã làm cho các chuyến đi Nam Cực về sau của mình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc biệt như chuyến gần đây nhất, mình hầu như không có triệu chứng say sóng. Mình thực sự vui khi đã vượt qua được sợ hãi và giới hạn của bản thân sau mỗi lần chinh phục Nam Cực ", anh Hiếu kể.
Điều thú vị là trong hành trình chinh phục Nam Cực lần thứ 4 này, đoàn của anh Hiếu đã gặp một đoàn khách Việt Nam khác trên con tàu Hondius với tổng số thành viên của hai đoàn là 29 người. Tại đây, họ đã cùng nhau chụp ảnh cờ đỏ sao vàng dưới nền tuyết trắng, ghi lại giây phút hạnh phúc tột độ mà có thể “cả đời chỉ xảy ra một lần”.
Được biết, chi phí cho chuyến đi là 395 triệu đồng/người, gồm vé máy bay, tiền tour, ăn ở và phí làm visa.
Phan Đậu - Ảnh: Hoàng Phụng Hiếu
- Khám phá khu du lịch sinh thái có hệ thống hang động núi đá vôi xuyên thủy nhiều nhất Việt Nam
- Nơi có 'thành phố dưới lòng đất' duy nhất Việt Nam được vinh danh 'Thành phố tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương 2024'
- Ngôi làng sắp bị phá dỡ được cụ ông 90 tuổi biến thành ‘thiên đường’, thu hút 2 triệu khách du lịch mỗi năm
Du lịch nước ngoài giá rẻ hấp dẫn khách Việt dịp Tết 2025, tour Trung Quốc đắt hàng
Chủ tịch Bạc Liêu: 'Tôi đã cấm công ty xổ số tổ chức đi tham quan nước ngoài'