EU nhất trí dùng tiền của Nga để vũ trang cho Ukraine
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/5 đã đạt thỏa thuận về kế hoạch sử dụng hàng tỷ Euro lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng trung ương Nga để vũ trang Ukraine và tài trợ cho việc tái thiết nước này sau xung đột.
Hãng Reuters đưa tin, Bỉ - quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU cho biết, các đại sứ của khối đã đồng ý trên nguyên tắc về các biện pháp liên quan tới nguồn thu bất thường từ tài sản cố định của Nga. Theo đó, lợi nhuận thu được từ tài sản của Nga sẽ được dùng để hỗ trợ phục hồi và phòng thủ quân sự cho Ukraine, khoản đầu tiên dự kiến được giải ngân vào tháng 7.
EU đã đóng băng khoảng 200 tỷ Euro tài sản của Ngân hàng trung ương Nga tại châu Âu như một phần của lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Cho tới nay, việc tịch thu tiền của Nga và trao cho Ukraine vẫn bị loại trừ vì điều này có thể ảnh hưởng tới thị trường quốc tế và làm suy yếu đồng Euro. Tuy nhiên, thay vào đó, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định kế hoạch nhắm tới tiền lãi từ các tài sản bị phong tỏa của Nga. Việc này được coi là hợp pháp về mặt pháp lý bất chấp cảnh báo của Điện Kremlin về hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản thỏa thuận vẫn cần các bộ trưởng EU chính thức phê duyệt, 90% tiền lãi sẽ được chuyển đến quỹ Cơ sở Hòa bình Châu Âu dùng để viện trợ quân sự cho Ukraine, 10% còn lại dùng để hỗ trợ cho Ukraine theo những cách khác.
Khoảng 90% số tiền bị đóng băng của Nga ở EU hiện do tổ chức tiền gửi quốc tế Euroclear tại Bỉ nắm giữ. Như một phần của thỏa thuận, các nhà ngoại giao cho biết, Bỉ đồng ý gửi cho Ukraine toàn bộ số tiền thu được từ lợi nhuận bất ngờ.
EU ước tính, lợi nhuận bất ngờ từ tài sản bị đóng băng của Nga tại châu Âu sẽ đạt tổng cộng 15-20 tỷ Euro vào năm 2027. Con số này gồm 3 tỷ Euro trong năm nay, với khoảng 1 tỷ Euro sẽ được giải ngân vào tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho hay.
Quốc gia thành viên NATO xem xét mở lại biên giới với Nga
Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận có khoảng 5.000 quân tham gia gần biên giới Nga