Giá heo hơi đã tăng ổn định từ đầu năm 2024 đến nay - góp thêm tin vui cho nhóm doanh nghiệp ngành chăn nuôi.
Từ đầu năm 2024 đến nay trên thị trường khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, giá heo hơi đã liên tục tăng nhẹ. Mức tăng giá "nhích' nhẹ, nhiều địa phương đã có giá 58.000 đồng/kg. Còn nếu so với nền giá 48.000-52.000 đồng/kg thời điểm đầu năm 2024, giá heo hơi đã tăng đáng kể từ 12-20%.
Đáng chú ý, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam đã tăng mạnh trong hai tháng đầu năm nay.
Giá heo hơi lên mức 58.000 đồng/kg
Tại khu vực miền Nam, nhiều địa phương đã tăng giá lên mức 58.000 đồng/kg như Đồng Nai, Bạc Liêu, Đồng Tháp. Số tỉnh giữ mức giá 57.000 đồng/kg cũng rất nhiều như tại TP. HCM, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau... đặc biệt trong đó các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Bạc Liêu giá heo hơi tăng 1.000 đồng so với ngày 5/3.
Khu vực miền Trung giá heo hơi không biến động, giao dịch trong khoảng từ 54.000-57.000 đồng/kg, trong đó cao nhất tại Lâm Đồng và Bình Thuận đang có mức giá 57.000 đồng/kg.
Khu vực miền Bắc có nền giá cao hơn miền Trung, giao động quanh mức 56.000-57.000 đồng/kg, trong đó Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình và Hà Nội giữ mức giá 57.000 đồng/kg.
Nhập khẩu thức ăn, nguyên liệu tăng mạnh
Theo số liệu thống kê, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 2 tháng đầu năm 2024 đạt 905 triệu USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Khối lượng nhập mặt hàng đậu tương 2 tháng đầu năm 2024 đạt 512 nghìn tấn và 289 triệu USD, tăng 69,7% về khối lượng và tăng 35,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Nhập khẩu lúa mì 2 tháng đầu năm 2024 đạt 1,74 triệu tấn và 479 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần về khối lượng và gấp 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Với mặt hàng ngô, nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 đạt 2,98 triệu tấn và 762 triệu USD, gấp 2,1 lần về khối lượng và tăng 59,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
>> Hải Dương sắp có thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi 17 triệu USD
Thức ăn chăn nuôi nhập về đã tăng cả về giá trị và sản lượng trong khi đó giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm mạnh; giá đậu tương nhập khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2024 đạt 565 USD/tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023; giá lúa mì giảm 25,3% và giá ngô giảm 24%.
Đáng chú ý, trên thị trường thế giới, giá nguyên vật liệu lúa mì và ngô đang ở vùng đáy của nhiều năm. Giá các nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục sau đợt giảm sâu vừa qua.
Cổ phiếu chăn nuôi "vượt sóng"
Giá heo hơi liên tục tăng cũng là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu ngành chăn nuôi tăng mạnh. Bất chấp sóng gió thị trường, nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi trên sàn đang tăng mạnh.
BAF - cổ phiếu của nhà "heo ăn chay" Nông nghiệp BAF vẫn tăng 3% từ đầu năm 2024 dù doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm 2023 không khả quan. Báo cáo ghi nhận nông nghiệp BAF lỗ khoảng 29,5 tỷ đồng cả năm.
Thanh khoản cổ phiếu BAF cũng rất cao, bình quân 10 phiên giao dịch gần đây nhất mỗi phiên có khoảng 3,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Trong khi đó Dabaco với nhiều lợi thế, từ những tin vui khi vaccine dịch tả lợn châu Phi được nghiên cứu thành công đến ảnh hưởng của giá cả. Dabaco còn thêm lợi thế lớn khi là doanh nghiệp chăn nuôi khép kín với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Khi nguyên liệu tăng, giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng, với sự chủ động cả về vùng trồng nguyên liệu và nhà máy sản xuất, Dabaco có thêm lợi thế.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu DBC tăng gần 7% từ đầu năm. DBC đang áp sát đỉnh lịch sử tạo lập được hồi tháng 2, tháng 3/2023.
DBC thời gian gần đâu trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhờ những thông tin về sự thành công của việc nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, mở ra thị trường mới tỷ đô cho doanh nghiệp Việ. Thậm chí Rumaria đã đề nghị được làm đầu mối nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi sang các nước châu Âu, còn Philippine đã thử nghiệm xong và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam.
>> Cổ phiếu chăn nuôi dậy sóng phiên cuối năm, khối ngoại bất ngờ hút ròng lượng lớn DBC
Trong mắt các công ty chứng khoán, DBC cũng là cổ phiếu tiềm năng, được mua ròng nhiều phiên liên tiếp. Trên App của MBS, "cá heo bạc tỷ" khuyến nghị cổ phiếu DBC cho tín hiệu vùng MUA dựa trên các phân tích kỹ thuật.
Trên thị trường thanh khoản DBC tăng mạnh, bình quân mỗi phiên khoảng 11 triệu cổ phiếu được trao tay.
HAG của bầu Đức có lẽ là cổ phiếu "lận đận" nhất trong công cuộc đi tìm lại đỉnh cũ. Từ đầu năm 2024 đến nay HAG giảm khoảng 2%.
Cổ phiếu HAG giảm trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2023 của công ty rất thuận lợi, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 61% lên 1.817 tỷ đồng.
"Cổ phiếu quốc dân" HPG của Hòa Phát đã tăng khoảng 9% từ đầu năm 2024 đến nay. Hòa Phát có "bệ đỡ" từ việc thép - ngành nghề kinh doanh chính của công ty, đang khởi sắc.
Nhìn chung bất chấp những phiên trượt dài của Vn-Index từ sau Tết Nguyên đán, từ đầu năm 2024 dương lịch đến nay nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi đã cùng kéo nhau "vượt sóng, tăng giá đều.
>> Ngành chăn nuôi bước qua ngày khó, Dabaco có lãi năm 2023