Giá iPhone 16 Pro Max có thể lên tới 60 triệu đồng: Apple lao đao dù CEO Tim Cook thân thiết với ông Trump
Chính sách áp thuế đối ứng cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ đang gây bất lợi lớn cho Apple dù CEO Tim Cook có mối quan hệ khá tốt với “ông chủ Nhà Trắng”.
Trong nhiều năm qua, Giám đốc điều hành (CEO) Apple Tim Cook đã trở thành một hình mẫu của sự khéo léo trong các cuộc đối thoại với ông Donald Trump.
“Tim Cook gọi trực tiếp cho Donald Trump”, đương kim Tổng thống Mỹ nói về CEO của Apple trong nhiệm kỳ đầu của mình vào năm 2019 khi nói về ông trong ngôi thứ ba.
“Đó là lý do tại sao ông ấy là một Giám đốc điều hành xuất sắc. Bởi vì Cook đã gọi cho tôi, còn những người khác thì không”. Theo ông Trump, những vị CEO khác thường “ra ngoài và thuê các tư vấn viên đắt đỏ”.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump không được lòng nhiều nhân viên của Apple ở Thung lũng Silicon, CEO Apple Tim Cook – một nhà ngoại giao doanh nghiệp dày dặn – vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm với ông và khéo léo điều hướng chiến tranh thương mại của Nhà Trắng với Trung Quốc.
>> Lộ diện quốc gia châu Á đầu tiên được Mỹ ưu tiên đàm phán về thuế quan
Các hoạt động của Cook đã đóng vai trò quan trọng giúp Apple giành được những miễn trừ đối với hàng tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm như đồng hồ thông minh và linh kiện từ Trung Quốc. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố đã đưa việc sản xuất của Apple trở lại Mỹ khi ông thăm một nhà máy sản xuất máy tính Mac ở Texas (mặc dù nhà máy này đã hoạt động từ năm 2013, nhưng hãng “Táo khuyết”không đính chính lời tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, vào hôm thứ Tư tuần trước (2/4), những nỗ lực khéo léo của CEO Apple Tim Cook dường như đã đụng phải một bức tường.
Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức thuế cao ngất không chỉ với Trung Quốc, nơi phần lớn iPhone của Apple được sản xuất, mà còn với các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ, nơi Cook đã lặng lẽ chuyển một phần sản xuất trong những năm gần đây để phòng ngừa căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc.
Các mức thuế của ông Trump có thể khiến giá iPhone tăng tới 43%, theo các nhà phân tích từ Rosenblatt Securities. Mẫu iPhone 16 Pro Max đắt nhất sẽ có giá khoảng 2.300 USD (gần 60 triệu đồng), tăng từ mức 1.599 USD hiện tại, trong khi mẫu rẻ nhất sẽ có giá 1.142 USD, tăng từ mức 799 USD.
Mặt khác, nếu Apple chấp nhận một số mức tăng giá sẽ gây ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận vốn rất cao của tập đoàn công nghệ nổi tiếng này khiến lợi nhuận ròng của công ty sụt giảm hàng chục tỷ USD.
Nhà Trắng xác nhận rằng, khác với năm 2018, lần này không có miễn trừ cho các sản phẩm mà Apple sản xuất.
“Đòn giáng” này khiến người ta đặt câu hỏi về những năm dài CEO Apple Tim Cook duy trì quan hệ thân cận với ông Trump, cũng như sự thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh trong mối quan hệTrung Quốc. Mặc dù chiến lược này có vẻ hợp lý trong cuộc chiến thương mại song phương, nhưng ông Trump lại áp thuế với hầu hết các quốc gia.
Trong khi đó, Tim Cook là kiến trúc sư của việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc cách đây một phần tư thế kỷ, rồi dần dần tách biệt sản xuất khỏi “đất nước tỷ dân”. Được Apple thuê vào năm 1998, ngay sau khi Steve Jobs quay lại cứu công ty, ông đã chuyển sản xuất từ Mỹ để thiết lập một chuỗi cung ứng phức tạp nhưng hiệu quả ở Trung Quốc, với các nhà thầu như Foxconn.
Trong những năm gần đây, CEO Tim Cook đã cố gắng tháo gỡ điều này, thúc ép các đối tác chuyển các nhà máy sang các quốc gia châu Á khác.
“Các chính sách mới của ông Trump đã tạo ra một trở ngại lớn cho chuỗi cung ứng của Apple, cơ bản là làm vô hiệu hóa việc Apple chuyển việc sản xuất sang các quốc gia khác”, Mark Zetter, một chuyên gia về chuỗi cung ứng điện tử cho biết.
Apple cũng đối mặt với phản ứng chính trị khi rời bỏ Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 15% doanh thu của công ty.

Chính quyền Trung Quốc được cho là đã ngăn cản các nhân viên có tay nghề cao rời khỏi nước này và Apple đã bị các phương tiện truyền thông Nhà nước “bóng gió” chỉ trích. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến doanh số của Apple tại Trung Quốc, vốn đã giảm trong 2 năm liên tiếp gần đây.
Năm nay, Apple dự kiến sẽ sản xuất khoảng 15% số iPhone tại Ấn Độ và các Bộ trưởng ở đất nước đông dân nhất thế giới cho biết công ty có kế hoạch sản xuất 1/4 số lượng sản phẩm tại đó. Tuy nhiên, điều này giờ vẫn là câu hỏi mở, khi quốc gia này đối mặt với mức thuế nhập khẩu của Mỹ lên tới 26%.
Các mức thuế có thể sẽ được điều chỉnh và CEO Apple Tim Cook chắc chắn sẽ tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thúc đẩy các biện pháp nới lỏng. Ông đã hứa đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 4 năm tới.
Tuy nhiên, câu trả lời của Tổng thống Trump có thể đơn giản là yêu cầu Apple đưa sản xuất về lại Mỹ.
Hiện tại, chỉ một số ít máy tính Mac cao cấp được sản xuất tại Mỹ. Tổng thống Trump sẽ coi đó là sự xác nhận cho chính sách của mình nếu dấu mác trên lưng chiếc iPhone ghi: “Thiết kế bởi Apple ở California, sản xuất tại Mỹ.”
Zetter cho biết điều đó không có khả năng xảy ra. “Không có nơi nào ở châu Mỹ có thể tập hợp lực lượng lao động lên tới 800.000 người như Foxconn có thể làm ở Trung Quốc”, ông nói. “Apple hiện tại chỉ có những lựa chọn hạn chế ngoài các miễn trừ và đàm phán”.
Tính đến nay, Tim Cook đã xử lý rất khéo léo với một Tổng thống không thể đoán trước như ông Donald Trump. Nhưng tuần này có thể là thử thách lớn nhất của vị CEO tài ba của Apple.
Theo Telegraph/Yahoo! Finance
>> Khối ngoại xả hơn 70 triệu cổ phiếu một ngân hàng VN30 sau cú sốc thuế quan Mỹ
Tỷ phú Elon Musk trực tiếp kêu gọi ông Trump hủy bỏ mức thuế mới?
Elon Musk bất ngờ chỉ trích chính sách thuế của ông Trump, nội bộ Nhà Trắng lộ dấu hiệu rạn nứt