Giải mã 'cơn lốc' trả mặt bằng kinh doanh đang 'càn quét' ở TP.HCM
Những tháng qua, làn sóng trả mặt bằng đang lan rộng đến các khu vực ven TP.HCM. Rất nhiều mặt bằng tại quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè… treo biển sang nhượng, cho thuê.
Tình trạng trả mặt bằng vẫn kéo dài chưa có hồi kết
Dữ liệu rao cho thuê mặt bằng ở trung tâm TP.HCM cho thấy ,số mặt bằng cho thuê tăng vọt, có những con đường lượng mặt bằng trống cao chưa từng có trong ba năm qua.
Dạo quanh khu vực quận 9, quận 2, Nhà Bè, Bình Chánh… những tháng cuối năm có thể dễ dàng bắt gặp khá nhiều mặt bằng trống vẫn đang treo biển cho thuê hoặc sang nhượng.
Đáng nói, ở các con phố sầm uất như Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt… vốn là những nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất và hiếm khi có tình trạng trống mặt bằng cũng đang gặp phải tình trạng này.
Tại đường Lò Lu, các mặt bằng kinh doanh treo biển cho thuê cũng xuất hiện nhiều hơn so với thời điểm cuối năm 2022. Đây là tuyến đường hoạt động kinh doanh buôn bán khá sầm uất của quận 9. Tuy nhiên, đếm dọc tuyến đường dài 3km này có đến hơn 10 mặt bằng bỏ trống, treo biển thuê. Giá thuê dao động từ 7-25 triệu đồng/tháng (tuỳ mặt bằng).
Trong khi đó, tại đường Lã Xuân Oai, P.Trường Thạnh, các mặt bằng bỏ trống rơi vào mức giá từ 15-25 triệu đồng/tháng. Một số cửa hàng thời trang, nhà hàng, kinh doanh xe… có tỉ lệ trả mặt bằng cao hơn các nhóm kinh doanh đồ ăn vặt, thực phẩm. Tại khu vực này, mặt bằng giá từ 7-10 triệu đồng/tháng ổn định khách thuê.
Thị trường bất động sản “ảo não” kéo theo mặt bằng “lao dốc”
Thị trường BĐS nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận có sự tăng nhẹ về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ trong Quý III/2024. Dự báo Quý IV/2023, thị trường có những tín hiệu khởi sắc nhưng khó đột biến trong ngắn hạn.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới Quý IV/2023 tại TP.HCM có thể sẽ giảm, dao động từ 1.200 - 1.600 căn. Phân khúc căn hộ hạng Agiữ vững vị thế chủ đạo tại TP.HCM, trong khi đó căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới tại các tỉnh giáp ranh.
Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự Quý 4/2023 có xu hướng tăng so với Quý III, dao động khoảng 350 - 450 căn, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với lần mở bán trước đó. Các chính sách chiết khấu, ưu đãi,… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường nhưng cũng không làm cho bất động sản 'sáng' trở lại.
Thị trường ảm đạm, kinh tế khó khăn và xu hướng dịch chuyển về các tỉnh gây nên tình trạng trả mặt bằng tại TP.HCM tăng, đặc biệt là những khu vực vùng ven.
Hiện các chủ nhà đang cân đối giá thuê theo từng vị trí mặt bằng cũng như khả năng tài chính của người thuê để đưa ra mức giá phù hợp. Tuy vậy, đa số không chấp nhận thu tiền thuê nhà thấp hơn so với thời điểm trước đây, khi mà mức giá thuê vừa phải, người dân từ miền Tây lên làm ăn, sinh sống nhiều, vì thế buôn bán cũng nhộn nhịp theo.
Ngoài ra, còn một lí do nữa đó là mặt bằng ở những khu vực này đang xuống cấp trầm trọng do không có khách thuê vào sửa chữa trong thời gian dài. Tại Bình Chánh, Nhà Bè những mặt bằng kinh doanh diện tích nhỏ giá thuê từ 8-15 triệu đồng/tháng ghi nhận tỉ lệ bỏ trống khá nhiều. Tại tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (nối dài từ quận 7 đến huyện Nhà Bè, TP.HCM) số lượng mặt bằng cho thuê treo biển thuê cũng tăng lên so với trước đây.
Đất nền ven đô 'hạ đỉnh' 50% rao bán ồ ạt, xuống tiền thời điểm này liệu có được giá hời?