Các nhà đầu tư nghe tư vấn của “phù thuỷ chứng khoán” William O’Neil đã đạt tỷ lệ sinh lời gấp 2 lần chỉ số S&P 500 ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường.
“Phù thuỷ chứng khoán” William O’Neil đã qua đời ở tuổi 90 |
Phù thuỷ chứng khoán” William O’Neil, cha đẻ của phương pháp đầu tư tăng trưởng CANSLIM phổ biến và được nhiều nhà đầu tư áp dụng hiện nay đã qua đời ở tuổi 90.
Là một trong những nhà đầu tư huyền thoại của nước Mỹ, William O’neil sinh năm 1933 tại Oklahoma và lớn lên tại Texas. Ông thành công và gắn bó cả cuộc đời với thị trường chứng khoán như một nhà nghiên cứu và tư vấn tài ba. Hầu hết tất cả những thành quả nghiên cứu của ông đều có tính ứng dụng vô cùng lớn, tiêu biểu như Phương pháp đầu tư CANSLIM.
CANSLIM là sự kết hợp giữa phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, phân tích dòng tiền và tiềm năng của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư lọc các cổ phiếu đang tăng theo xu hướng và giảm thiểu rủi ro trên thị trường.
Tương ứng với mỗi chữ cái của từ “CANSLIM” là một tiêu chí để đánh giá một cổ phiếu tăng trưởng thành công trong quá khứ, cụ thể như sau:
C (Current Quarterly Earnings Per Share) là tăng trưởng thu nhập trong quý hiện tại. Đây là tiêu chí dùng để xác định rằng doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đó có đưa ra báo cáo thu nhập tốt và cao hơn so với mức thu nhập của năm trước đó hay không.
Những doanh nghiệp có sự tăng trưởng về giá cổ phiếu, mức tăng trưởng về thu nhập hàng quý vượt mức 70% trước giai đoạn tăng trưởng diễn ra. Chỉ số EPS của doanh nghiệp trong quý gần nhất và quý liền kề phải đạt tối thiểu 20% – 25% so với cùng kỳ đồng thời không so sánh với quý liền kề trước đó để loại bỏ yếu tố thời vụ.
A (Annual Earnings Increases) là tăng trưởng lợi nhuận hàng năm. Tiêu chí A giúp nhà đầu tư xác định xem doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận tốt trong khoảng thời gian trước đó hay không.
Với tiêu chí này, doanh nghiệp cần đạt tối thiểu 25% mức tăng trưởng thu nhập hàng năm. Ngoài ra, chỉ số ROE trong 4 quý gần nhất phải đạt 17% để đảm bảo doanh nghiệp đang có kết quả đầu tư tốt.
CANSLIM |
N (New Products, New Management, New Highs) là sản phẩm mới, bản quản trị mới, mức giá mới. Đây là tiêu chí dùng để xem xét doanh nghiệp có sự đổi mới về sản phẩm hay thay đổi về ban quản lý doanh nghiệp để đẩy mạnh hiệu suất hơn không.
Nếu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu có lịch sử phát triển hoặc có sự đổi mới các sản phẩm với kết quả vượt trội so với mức giá của đối thủ, chất lượng hoặc cả 2 yếu tố trên có thể đánh giá đây là một doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt trong tương lai.
S (Supply and Demand) là tiêu chí lượng cung và cầu về cổ phiếu đó. Đây là tiêu chí có thể giúp xem xét nhu cầu về cổ phiếu có đang tăng trên thị trường không cũng như khối lượng giao dịch của cổ phiếu đó hiện giờ ra sao.
Có thể nói S là một tiêu chí lựa chọn cốt lõi bởi đây là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu tăng hoặc giảm xuống. Với tiêu chí này, nhà đầu tư cần quan sát khối lượng giao dịch cổ phiếu hàng ngày có lớn hơn khối lượng giao dịch cổ phiếu hàng ngày có lớn hơn khối lượng giao dịch trung bình của 3 tháng trước đó hay không.
L (Leader or Laggard) là cổ phiếu dẫn đầu hoặc cổ phiếu đội sổ. Với tiêu chí này, nhà đầu tư có thể xem xét doanh nghiệp có đang dẫn đầu trên thị trường không. Nhà đầu tư nên tìm kiếm các doanh nghiệp có sức mạnh về giá cổ phiếu cao hơn đối thủ cạnh tranh, thậm chí còn phải cao hơn đến gần 80% trong các giao dịch trên thị trường.
I (Institutional Sponsorship) là sự ủng hộ của những định chế tài chính và các quỹ đầu tư. Đây là tiêu chí đánh giá doanh nghiệp có mức sở hữu bởi các tổ chức lớn không.
Những tổ chức hoặc các cổ đông lớn thường sẽ có đội ngũ chuyên gia giúp phân tích, đánh giá toàn bộ những cơ hội đầu tư vào cổ phiếu, vì vậy, nếu các doanh nghiệp có những tổ chức này đang nắm giữ cổ phiếu mà bạn đang xem xét thì rất tốt.
M (Market Direction) là xu hướng của thị trường. Tiêu chí này sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt xu hướng tổng thể của toàn bộ thị trường. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng sắp xếp thời gian mua cổ phiếu sao cho hiệu quả nhất.
Có 3 trạng thái nhà đầu tư cần quan tâm:
Tích lũy tăng giá: Thời điểm tốt để nhà đầu tư mua cổ phiếu.
Trạng thái tăng dưới áp lực bán: Chỉ nên mua vào với vị thế mở rộng, khối lượng nhỏ.
Thị trường điều chỉnh: Ưu tiên quản trị rủi ro, gia tăng tỷ trọng tiền mặt.
Cùng với phương pháp đầu tư giá trị CANSLIM, ông William O’Neil đã gửi gắm kinh nghiệm, kiến thức giúp nhà đầu tư không bị bỏ lỡ những cổ phiếu đại thành công bằng cách chỉ ra các nguyên nhân và biện pháp khắc phục trong "How To Make Money In Stocks".
Kinh nghiệm đắt giá William O’Neil |
Mất niềm tin, sợ hãi và thiếu hiểu biết
Hầu hết những cổ phiếu đại thành công đều là những công ty mới (IPO trong 7 hoặc 8 năm trở lại). Những tên tuổi mới này chính là những guồng máy tạo ra động lực phát triển, sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới mang tính cách mạng cũng như đa số công nghệ mới. Cách đơn giản nhất là theo dõi xu hướng giá cả, khối lượng giao dịch, doanh thu và lợi tức của tất cả các công ty “trẻ trung” này.
Định kiến về tỷ số P/E
Trái ngược với định kiến truyền thống, những cổ phiếu tốt nhất ít khi được bán ở tỷ lệ P/E thấp. Cũng giống như những cầu thủ giỏi nhất luôn đòi mức lương cao nhất. Những công ty tốt luôn được bán ở mức tỷ số P/E cao. Sử dụng tỷ số P/E làm tiêu chuẩn lựa chọn sẽ ngăn bạn mua phần lớn những tỷ số tốt nhất.
Lầm tưởng về cổ phiếu dẫn dắt
Nhiều nhà đầu tư không hiểu rằng những cổ phiếu dẫn dắt thực sự khởi đầu những biến động giá to lớn của chúng từ mức giá gần hoặc tại các đỉnh giá mới, chứ không phải gần các đáy giá mới hoặc những vị trí cách xa đỉnh giá. Họ thường thích mua các cổ phiếu trông có vẻ rẻ vì nó có giá thấp hơn chính nó vài tháng trước và thế là mua cổ phiếu trên đường đi xuống và nghĩ đã mua được món hời.
Nhưng thật ra, điều nên làm là mua những cổ phiếu đang trên đường đi lên, vừa leo lên đỉnh giá mới sau khi đột phá khỏi một nền tảng hay một khu vực ổn định giá. Phương châm đúc kết của nhà đầu tư huyền thoại William O’Neil là “Mua con mạnh, bán con yếu”
Chốt lời quá sớm hoặc đánh mất hàng trong nhịp giũ
Không ít nhà đầu tư bán ra quá sớm vì bị “giũ bỏ” hoặc quá ham thu lợi sớm để rồi sau đó vất vả mua lại cổ phiếu vì tiếc rẻ. Họ cũng thường bán ra quá trễ, để một thua lỗ nhỏ trở thành một khoản lỗ khổng lồ vì không cắt bỏ khi nó lên tới 8%.
Hiệu quả của các phương pháp trên được minh chứng rõ nhất khi tài khoản chứng khoán của William O’Neil đã tăng gấp 20 lần. Đồng thời, các khách hàng chịu khó nghe ông tư vấn đã từng đạt tỷ lệ sinh lời gấp 2 lần chỉ số S&P 500 bất chấp cả những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ.