Giải ngân đầu tư công 2025: Nhiều dự án đối mặt với rào cản, nút thắt
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công 2025, các chuyên gia cho rằng bên cạnh tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế cần phải thúc đẩy hiệu quả trong việc xây dựng, chuẩn bị dự án và chuẩn bị các thủ tục về đầu tư sẽ giúp khơi thông nguồn vốn đầu tư công, qua đó dẫn dắt được sự phát triển của khu vực tư nhân, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”, bà Thảo nhấn mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công luôn trong tình trạng phải chạy đua với kế hoạch
Theo Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, kế hoạch đầu tư công năm nay sẽ được tăng lên 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao trước đó và cao hơn khoảng 194.300 tỷ đồng so với năm 2024.
![]() |
Giải ngân vốn đầu tư công luôn trong tình trạng phải chạy đua với kế hoạch. |
Bình luận về mục tiêu giải ngân đầu tư công 2025, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công luôn trong tình trạng phải chạy đua với kế hoạch.
Cụ thể, năm 2024, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã đề ra nhiều giải pháp nhưng không đạt kế hoạch giải ngân 95% đã đề ra, chỉ đạt gần 635.580 tỷ đồng, bằng 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi đó, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết năm 2025 là 84.840,5 tỷ đồng, chiếm 10,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn, khoảng 84.840,5 tỷ đồng, của 26 Bộ, cơ quan Trung ương và 48 địa phương.
Ngoài lý do khách quan, không thể không nói đến tình trạng một số chủ đầu tư còn mang tâm lý lơi lỏng, chờ xong thủ tục đầu tư, đấu thầu mới đẩy mạnh triển khai dự án. Đây là tình trạng chung đáng chú ý là nhiều năm qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thường chậm trễ vào đầu năm và tăng mạnh vào cuối năm.
“Như vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay rất lớn. Nếu như không có sự đột phá về cơ chế, trách nhiệm cũng như nhận diện và xử lý các sai phạm thì khả năng hoàn thành còn thấp hơn năm 2024”, ông Thịnh quan ngại.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM kỳ vọng đầu tư công sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay khi hoạt thúc đẩy giải ngân luôn là hoạt động ưu tiên của Chính phủ trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, Luật Đầu tư công sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 sẽ tháo gỡ những nút thắt về thể chế chính sách liên quan trong hoạt động đầu tư công.
Theo tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
“Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế; trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, bà Thảo nhìn nhận.
Nhiều dự án đối mặt với nhiều rào cản, nút thắt
Tuy vậy, theo bà Thảo, để giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch đề ra là nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh nhiều dự án vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, nút thắt.
Đầu tiên, giải phóng mặt bằng chậm trễ tiếp tục là nút thắt lớn nhất, đặc biệt tại các địa phương có những công trình giao thông đi qua khu vực dân cư có tỷ lệ đất thổ cư lớn dẫn đến giá trị bồi thường giải phóng mặt chưa thỏa đáng, gây ách tắc.
![]() |
Nhiều dự án đối mặt với nhiều rào cản, nút thắt. |
Thứ hai, nguồn cung nguyên vật liệu hạn chế đã làm đình trệ nhiều dự án, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng. Trong thời gian qua, việc khai thác các mỏ nguyên vật liệu thông thường cho xây dựng như cát, đất đắp nền thì các dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội cho cơ chế đặc thù.
Tuy vậy, vẫn rất nhiều dự án đầu tư công khác. Vì vậy, những tháo gỡ về điểm nghẽn trong việc cấp phép các mỏ vật liệu hoặc khai thác mỏ vật liệu cần được coi là một nhóm giải pháp trọng.
Về nguyên nhân chủ quan, theo bà Thảo, cùng một thể chế có những bộ ngành và địa phương giải ngân tốt, có những bộ ngành và địa phương lại chậm. Điều này cho thấy yếu tố về tổ chức thực hiện là lý do có nơi thực hiện tốt, có nơi chưa đạt yêu cầu.
“Ở một số bộ ngành và địa phương có tâm lý sợ làm sai và khi sợ làm sai đối với một công trình dự án bao giờ cũng phải xin ý kiến nhiều nơi, kéo dài thời gian thực hiện. Vì vậy, cần chấn chỉnh hơn ở cấp thực thi khi mà có những thủ tục lấy ý kiến quá nhiều, nhiều khi không cần thiết, làm kéo dài dự án đầu tư công”, bà Thảo quan ngại.
Cũng theo bà Thảo, trong một dự án đầu tư công, hoạt động đầu tư, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khi có vướng mắc, nhà thầu hay doanh nghiệp hỏi ý kiến cơ quan nhà nước, trong điều kiện như vậy chúng ta phải tăng cường thời gian giải quyết cho nhà đầu tư. Từ đó, giúp cho quá trình giải ngân nhanh hơn.
“Vì vậy, bên cạnh tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế cần phải thúc đẩy hiệu quả trong việc xây dựng, chuẩn bị dự án và chuẩn bị các thủ tục về đầu tư sẽ giúp khơi thông nguồn vốn đầu tư công, qua đó dẫn dắt được sự phát triển của khu vực tư nhân, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”, bà Thảo nhấn mạnh.
>>Ngành ngân hàng cam kết đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%
Thủ tướng: Kiên quyết thu hồi nếu không phân bổ xong 84.800 tỷ vốn đầu tư công
Nguyên tắc, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030