Thần đồng 14 tuổi đỗ Đại học top 1 châu Á với số điểm chưa từng có trong lịch sử, ra trường có quyết định gây sốc khiến dư luận đồng loạt quay lưng
Ghi dấu ấn ngoạn mục khi đạt điểm tối đa trong kỳ thi vào Đại học Thanh Hoa ở tuổi 14, nữ thần đồng đã khiến mọi người kinh ngạc bởi tài năng vượt trội của mình.
Hà Bích Ngọc, cô gái sinh năm 1985 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, từng làm rúng động truyền thông khi trở thành thí sinh đầu tiên và duy nhất đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tuyển sinh đại học Trung Quốc (Cao khảo) với số điểm 750/750.
Thành tích của cô không chỉ gây tiếng vang mà còn biến cô trở thành biểu tượng tài năng của cả quốc gia. Trong bối cảnh Cao khảo được coi là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, với tỷ lệ thí sinh đỗ vào các đại học top đầu chỉ khoảng 0,2%, điểm số này như một kỳ tích, khẳng định khả năng xuất chúng của Bích Ngọc.
Hà Bích Ngọc được sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nơi ông bà nội là những học giả và bố mẹ là trí thức cấp cao trong ngành địa chất. Ngay từ nhỏ, Bích Ngọc đã được tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến của cha mẹ, giúp cô phát huy tối đa trí tuệ và khả năng học hỏi.
Khác với nhiều gia đình gò ép con vào khuôn khổ học tập, cha mẹ của Bích Ngọc muốn cô phát triển một cách tự nhiên và cởi mở. Họ thường xuyên đưa cô đi khám phá thiên nhiên, khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời, đồng thời cho cô tiếp xúc với nghệ thuật qua những lớp học múa và âm nhạc tại cung thiếu nhi. Cách giáo dục tự do nhưng định hướng này đã tạo điều kiện cho Bích Ngọc phát huy tiềm năng vượt bậc và trí tưởng tượng phong phú ngay từ những năm đầu đời. Nhờ vậy, khi còn đang học mẫu giáo, cô đã nổi trội hơn hẳn so với bạn bè, khi đến lớp 1 cô còn được đặc cách nhảy lớp, lên học lớp 3.
Ở tuổi 10, Bích Ngọc thi đỗ vào trường Trung học Tân Hương số 1 tại tỉnh Hà Nam, nơi chỉ dành cho những học sinh có năng lực đặc biệt. Với khả năng tự học vượt trội, Bích Ngọc tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tích cao.
Đến năm 1999, khi mới 14 tuổi, cô quyết định thử sức với kỳ thi Cao khảo, đặt mục tiêu vào lớp cơ sở của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả thi không như mong đợi, khiến cô lần đầu đối mặt với thất bại. Không nản lòng, Bích Ngọc quyết tâm thi lại một năm sau đó và đạt được thành tích chưa từng có: 750 điểm tuyệt đối trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2000, trở thành người đầu tiên trong lịch sử đạt điểm số này. Kết quả đó giúp cô được nhận vào Đại học Thanh Hoa danh giá, nơi hội tụ những sinh viên xuất sắc nhất Trung Quốc.
Trong thời gian theo học tại Đại học Thanh Hoa, Bích Ngọc không ngừng phát triển bản thân, thể hiện sự đam mê mãnh liệt với khoa học. Sau khi tốt nghiệp, cô nhận được lời mời ở lại trường nghiên cứu và giảng dạy với các chính sách đãi ngộ rất tốt.
Tuy nhiên, với khát khao học hỏi và khám phá những chân trời tri thức mới, Bích Ngọc đã chọn đi du học tại Đại học Washington, Hoa Kỳ để tiếp tục chương trình cao học ngành khoa học thần kinh. Năm 2006, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, cô nhận vị trí trợ lý Giáo sư tại Trường Y Đại học New York và quyết định định cư tại Mỹ.
Trong thời gian này, Bích Ngọc cũng làm việc tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nơi cô cộng tác với nhiều chuyên gia hàng đầu và xuất bản các nghiên cứu có giá trị cao, góp phần vào sự phát triển chung của lĩnh vực y học.
Quyết định ở lại Mỹ của Bích Ngọc đã gây ra làn sóng tranh cãi trong dư luận Trung Quốc. Trước đó, khi còn là sinh viên tại Đại học Thanh Hoa, cô từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng mong muốn học tập ở nước ngoài của mình là để sau này có thể quay lại cống hiến cho quê hương. Tuy nhiên, sau nhiều năm du học và đạt nhiều thành tựu, cô lại chọn con đường định cư và phát triển sự nghiệp ở Mỹ.
Nhiều người chỉ trích cô là "kẻ quên gốc gác", cho rằng cô đã phản bội lời hứa. Mặt khác, không ít người lên tiếng ủng hộ quyết định của cô, khẳng định rằng khát khao học hỏi, cống hiến cho khoa học không có gì đáng trách, và đóng góp của cô cho tri thức nhân loại cũng là một cách cống hiến gián tiếp cho Trung Quốc. Đối với một số người, sự thành công của cô ở nước ngoài có thể xem là niềm tự hào của quốc gia, cho thấy khả năng cạnh tranh và thành tựu của người Trung Quốc trên trường quốc tế.
Hà Bích Ngọc vẫn tiếp tục gắn bó với con đường nghiên cứu khoa học tại Mỹ, mặc dù điều này đồng nghĩa với việc cô phải đối mặt với nhiều áp lực từ dư luận trong nước. Câu chuyện của cô phản ánh một thực tế phức tạp, nơi mà những thiên tài không chỉ chịu áp lực từ kỳ vọng của gia đình và xã hội, mà còn phải đối mặt với sự giằng xé giữa khát vọng cá nhân và trách nhiệm đối với quê hương.
Theo Sohu