Giao thông đi trước, định hướng cho phát triển đô thị
Cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, cần phải chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, phải thực hiện các quy hoạch về hạ tầng đi trước, sau đó mới quy hoạch về đô thị, tránh tình trạng cứ đi xin đất để làm đô thị trước, còn sau đấy hạ tầng không có.
Ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là rất cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời xây dựng một hệ thống quy hoạch đồng bộ, bảo đảm tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn trong thời gian tới.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đánh giá cao dự thảo luật lần này đã tích hợp giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập, phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.
Đại biểu cũng đề nghị trong luật cần phải bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị và yêu cầu các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này.
Điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị và làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Đề cập đến đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển giao thông đi trước để định hướng cho phát triển đô thị, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng nếu phát triển giao thông đi trước thì sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề.
Một là, không còn tình trạng phát triển đô thị tràn lan nhưng sau đó không có giao thông, nên không có người ở. Hai là, khi có người ở rồi thì gây bức xúc về giao thông và Nhà nước phải bỏ tiền ra để giải quyết vấn đề về hạ tầng.
"Như vậy, vừa lãng phí chi phí ngân sách nhà nước, vừa gây ra những vấn đề tốn kém cho xã hội. Nếu phát triển giao thông đi trước thì khi đô thị phát triển lên người dân đến ở ngay, không còn xảy ra tình trạng bỏ hoang và đồng thời giá trị đất đai tăng lên do có giao thông thì được tập trung vào ngân sách nhà nước, không rơi vào tay tư nhân", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở khoản 3 Điều 50 cần phải chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, phải thực hiện các quy hoạch về hạ tầng đi trước, sau đó mới quy hoạch về đô thị, tránh tình trạng như hiện nay, đó là cứ đi xin đất để làm đô thị trước, còn sau đó hạ tầng không có.
Nêu ý kiến về trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng), trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác, như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý.
Mặc dù, Điều 7 dự thảo luật đã có các nguyên tắc để bảo đảm tính thống nhất trong lập quy hoạch nhưng thực tế nội dung của các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch, từ đó khi thực tế xảy ra sẽ có cơ sở xác định và áp dụng được ngay, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của Nhà nước.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét đưa một khái niệm mới "siêu đô thị".
"Trước đây, chúng ta có thành phố thuộc tỉnh, nhưng bây giờ chúng ta có thành phố thuộc thành phố. Vậy có nên đưa một khái niệm như "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật lần này để tránh tình trạng phải gọi thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM", đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Ngoài ra, đại biểu Huân cũng đề nghị trong phần khái niệm nên bổ sung "công trình ngầm", bởi hiện nay chúng ta đã định nghĩa "không gian ngầm" nhưng "công trình ngầm" chưa định nghĩa.
Bảo đảm tính khả thi trong thời gian lập quy hoạch phân khu
Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là một dự án luật rất quan trọng và liên quan trực tiếp, ảnh hưởng sâu rộng đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, luật này có liên quan đến nhiều quy định của các pháp luật khác cũng như quy hoạch đô thị và nông thôn, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có tố kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch tỉnh.
Do đó, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rất thận trọng, nghiêm túc, kỹ lưỡng.
Liên quan đến ý kiến giải thích từ ngữ nội thành, nội thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đây là khái niệm liên quan đến phát triển đô thị cũng như phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này mà ở trong các văn bản pháp luật khác và sẽ được làm rõ tại Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Liên quan đến nội dung về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định cho phép lập đồng thời quy hoạch chung và các trường hợp quy hoạch chung khác cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước. Trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập thẩm định xong trước thì được phê duyệt trước.
Đối với trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch có cùng cấp độ thì nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ để bảo đảm yêu cầu nguyên tắc trong hoạt động về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đối với các mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác như ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến quy hoạch khoáng sản và một số quy hoạch khác thì cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy định rõ hơn liên quan đến xử lý việc này.
Đối với nội dung thời gian tối đa hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị là 6 tháng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quy định này để đơn giản hóa trình tự, thủ tục cũng như rút ngắn thời gian để lập quy hoạch phân khu để sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, chúng ta nhanh chóng phủ kín quy hoạch phân khu để làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án.
Với nội dung này, cơ quan chủ trì soạn thảo cùng cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi của quy định này, đồng thời tiếp tục rà soát xem trong quy trình, các công đoạn lập, thẩm định, phê duyệt có thể rút ngắn được thời gian nào nữa.
>> Rút ngắn thời gian lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị