Giới trẻ Trung Quốc lười yêu, ngại kết hôn vì áp lực kinh tế quá lớn
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang gây ra những thách thức lớn cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cũng như cho Chính phủ Trung Quốc.
Trong những năm tháng kinh tế Trung Quốc thăng hoa, hình ảnh các cặp đôi trẻ cầm bó hoa hồng lớn là cảnh tượng vô cùng quen thuộc trong ngày Thất tịch - một ngày lễ cổ xưa của nước này nhằm tôn vinh tình yêu và lòng chung thủy.
Mọi người sẽ đổ xô lên mạng xã hội để khoe những chiếc iPhone đời mới và chiếc túi xách Louis Vuitton do người yêu tặng, cũng như đăng ảnh chụp bữa tối tại nhà hàng sang trọng.
Đó là thời điểm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khiến cả thế giới phải ghen tị, theo CNN.
Dè dặt trong chi tiêu
Tuy nhiên, ngày lễ Thất tịch năm nay lại là một câu chuyện rất khác. Trên mạng xã hội, mọi người phàn nàn vì ít người tặng quà và không khí ảm đạm của lễ hội, cho rằng nền kinh tế trì trệ và thị trường việc làm khó khăn đã dẫn đến điều này.
Từ khóa "Tiêu dùng giảm mạnh vào ngày lễ tình nhân của Trung Quốc. Người trẻ không muốn đóng thuế tình yêu?" đã trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo vào tuần trước, thu hút 200 triệu lượt xem.
Một số chủ cửa hàng hoa cũng lên nền tảng Xiaohongshu để than thở về tình trạng thiếu khách hàng, đăng hình ảnh những bông hồng bị ế chất đầy cửa hàng của họ.
Những bài đăng khác nhắc đến khoảng thời gian các cặp đôi từng có dư dả tiền để chi tiêu khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn phát triển.
Hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt thách thức từ chi tiêu người tiêu dùng chậm chạp đến suy thoái bất động sản dai dẳng và cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng.
Alfred Wu, phó giáo sư tại trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết giới trẻ Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm việc làm.
Giáo sư bình luận: "Tôi nghĩ tâm lý chung hiện rất tệ và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn. Tâm lý tiêu cực đã trở thành xu hướng chung chứ không chỉ ảnh hưởng đến một lễ hội”.
Trong khi đó, chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong từ công ty cung cấp dịch vụ giao dịch IG nhận định, sự sụt giảm chi tiêu hiện nay dường như phù hợp với "xu hướng tiêu dùng yếu kém trong 2 năm qua". Đồng thời, ông nói thêm rằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang "ở quanh mức thấp kỷ lục".
Hành vi tiêu dùng của các cặp đôi Trung Quốc trở thành vấn đề lớn đối với doanh nghiệp toàn cầu và Chính phủ Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, một số công ty đa quốc gia phương Tây, từ gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oreal đến nhà sản xuất ô tô Volkswagen, đã cảnh báo về nhu cầu yếu ở Trung Quốc khi lòng tin của người tiêu dùng vẫn chưa được khôi phục.
Động thái của Chính phủ
Tâm trạng tiêu cực của thế hệ trẻ cũng ảnh hưởng đến những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn như một cách để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa. Điều này là do dân số giảm có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Nội vụ nước này, trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ có 3,43 triệu cặp đôi kết hôn, bằng một nửa con số được ghi nhận của 10 năm trước.
Nhiều người lên tiếng rằng họ không thể lập gia đình vì nợ tiền hoặc phải làm việc nhiều giờ.
“Khi những người sinh sau năm 1990 giờ đây mắc nợ hàng chục nghìn NDT, khi ‘996007’ trở thành chuẩn mực, thì mọi người lấy đâu tâm trạng nào để hẹn hò?” người dùng Weibo hỏi.
Được biết “996” và “007” ám chỉ giờ làm việc phổ biến mà một số tập đoàn lớn nhất Trung Quốc yêu cầu. Con số “996” ám chỉ những người lao động làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/ tuần. Một số người khác rơi vào tình trạng “007”, nghĩa là họ làm việc mỗi ngày.
Sự bi quan chung còn thể hiện trong dữ liệu thương mại và các dữ liệu khác. Dựa trên số liệu hải quan, CNN ước tính giá trị kim cương trang sức được nhập khẩu vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Dữ liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố tuần trước cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia này mất gần 15 tỷ USD trong quý II/2024. Đây là lần thứ 2 số liệu này chuyển sang âm kể từ năm 1998.
Triển vọng ảm đạm
Trong những năm trước, lễ Thất Tịch là cơ hội vàng để các công ty Trung Quốc và phương Tây quảng bá hàng hóa của họ. Nhưng điều đó đã thay đổi. Các CEO toàn cầu không còn có thể trông cậy vào Trung Quốc như một trụ cột thương mại nữa.
"Trung Quốc là khu vực duy nhất trên thế giới mà niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức rất thấp", CEO Nicolas Hieronimus của L'Oreal nói với các nhà phân tích trong cuộc gọi thu nhập cuối tháng trước.
Theo ông, thị trường việc làm yếu kém và khủng hoảng bất động sản là lý do gây ra tình trạng khó khăn này. Vị CEO nói thêm rằng mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong lĩnh vực làm đẹp toàn cầu năm nay phần lớn là hậu quả từ niềm tin thấp của người tiêu dùng Trung Quốc.
Công ty quảng cáo WPP tuần trước báo cáo doanh thu quý II/2024 tại Trung Quốc đã giảm gần 1/4 so với năm trước và triển vọng tương lai cũng không mấy khả quan.
Giám đốc tài chính Joanne Wilson dự kiến mọi thứ vẫn sẽ khó khăn ở Trung Quốc vào nửa cuối năm nay và trong cả năm, doanh thu sẽ giảm 2 chữ số.
Volkswagen và Mercedes cũng thể hiện sự bi quan khi đánh giá về nền kinh tế tỷ dân này.
"Mọi người đều biết rằng kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các lệnh hạn chế Covid vào đầu năm ngoái, tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa hồi phục trở lại", Chủ tịch tập đoàn Mercedes Benz Ola Kaellenius nói với các nhà phân tích vào ngày 26/7. "Chúng tôi không biết phải mất bao lâu để người tiêu dùng Trung Quốc lấy lại được lòng tin đó".
Theo CNN, China Daily, SCMP
>> Hôn nhân Trung Quốc: chi phí cưới cao đẩy giới trẻ vào thế khó
Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục kết hôn cho các cặp đôi
Giới trẻ Trung Quốc chuộng nghỉ việc tạm thời để đi du lịch 'chữa lành' dù 'trắng tay'