‘Gồng mình’ trong thế khó, chủ đầu tư dự án gang thép 8.100 tỷ đồng báo doanh thu vượt kế hoạch năm
Doanh nghiệp thép này ghi nhận doanh thu 11 tháng đầu năm 2024 đạt 13.986 tỷ đồng, hoàn thành 108% mục tiêu đề ra.
Theo Báo Thái Nguyên, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO - UPCoM: TIS) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 11 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp của công ty đạt trên 9.645 tỷ đồng, tương đương 101,6% kế hoạch năm. Phôi thép sản xuất đạt 255.579 tấn, tương ứng 127,8% kế hoạch; sản xuất và tiêu thụ thép cán đạt trên 673.308 tấn, hoàn thành 104,4% mục tiêu năm.
Theo đó, TISCO ghi nhận tổng doanh thu vượt 13.986 tỷ đồng, tương đương 108% kế hoạch. Ngoài ra, công ty đã nộp ngân sách Nhà nước gần 137 tỷ đồng, đồng thời bảo đảm việc làm ổn định cho gần 3.260 lao động với mức lương bình quân đạt trên 9,6 triệu đồng/người/tháng.
TISCO cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã phải đối mặt với không ít thách thức. Sản phẩm tiêu thụ chậm, cạnh tranh trong ngành thép ngày càng gay gắt, cùng với giá nguyên liệu đầu vào cao đã tạo áp lực lớn lên hoạt động của công ty. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phù hợp, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ chốt của TISCO vẫn hoàn thành và thậm chí vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh sức ép từ thị trường kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2) bị “đắp chiếu” suốt hơn 17 năm qua.
Liên quan đến dự án này, vào ngày 12/11/2024, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh đã chủ trì buổi làm việc với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - TVN) và CTCP Gang thép Thái Nguyên nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến dự án.
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO) bị "đắp chiếu" trong 17 năm |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh rằng việc xử lý các tồn đọng tại dự án TISCO 2 là một nhiệm vụ trọng tâm, đã được Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các cấp lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt trong nhiều năm qua. Ông yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện đúng chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền, tránh né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Cụ thể, SCIC được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan chấm dứt và thanh lý hợp đồng EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc), đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại tài sản cho Nhà nước. Bên cạnh đó, các đơn vị phải khẩn trương nghiên cứu và lựa chọn phương án xử lý tiếp theo cho dự án, bảo đảm hiệu quả tối ưu, tuân thủ đúng quy định, đồng thời bảo vệ lợi ích Nhà nước và quyền lợi người lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Được biết, dự án TISCO 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỷ đồng, do TISCO làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận vai trò tổng thầu. Dự án được khởi công từ năm 2007 với kế hoạch hoàn thành sau 30 tháng, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng thi công dở dang vì các vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC ký ngày 12/7/2007.
Sau 17 năm đình trệ, dự án không chỉ gây lãng phí lớn về nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp mà còn trở thành một điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển của TISCO.