Hòa Phát (HPG) đối diện bài toán khó ngay thềm ra lò cuộn thép HRC từ dự án 85.000 tỷ đồng, yếu tố 'phút 89' có lật ngược thế cờ?
Theo nhận định của Chứng khoán Vietcap, những thách thức trên thị trường thép toàn cầu làm dấy lên lo ngại về bài toán tiêu thụ sau khi dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) đi vào vận hành thương mại.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và thuộc Top 50 thế giới với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm. Hiện tại, doanh nghiệp đang dồn lực triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô 280ha với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Sản phẩm đầu ra của nhà máy này là thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ thép sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép… với công suất 5,6 triệu tấn thép/năm.
Tính đến đầu tháng 10/2024, dự án đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Theo kế hoạch, vào năm 2025, lò cao số 1 sẽ được đưa vào vận hành với 50% công suất, tương đương sản xuất được 1,4 triệu tấn thép. Đến năm 2026, lò cao số 2 sẽ bắt đầu hoạt động với 50% sản lượng, trong khi đó lò cao số 1 sẽ nâng khả năng sản xuất lên 80%. Nếu duy trì tiến độ theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2028, Dung Quất 2 sẽ chính thức hoạt động với công suất tối đa.
>> Hòa Phát (HPG) tiết lộ thời điểm siêu dự án 85.000 tỷ đồng hoạt động tối đa công suất
Nhà máy thép Dung Quất 2 sẽ có sản phẩm chạy thử nóng vào cuối năm 2024 |
Chứng khoán Vietcap đánh giá rằng các thách thức hiện tại trên thị trường thép toàn cầu, đặc biệt do nhu cầu thấp từ Trung Quốc, đang làm dấy lên lo ngại về bài toán tiêu thụ sau khi vận hành thương mại của dự án Dung Quất 2.
Theo đó, sự gia tăng xuất khẩu thép của Trung Quốc, phần lớn được thúc đẩy bởi khủng hoảng trong ngành bất động sản, đã khiến nhiều quốc gia nhập khẩu thận trọng hơn với thép nhập khẩu. Điều này đã dẫn đến hàng loạt cuộc điều tra chống bán phá giá nhắm vào thép cuộn cán nóng xuất khẩu từ Việt Nam. Ví dụ, vào đầu tháng 8/2024, Ủy ban châu Âu đã khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Việt Nam, Ai Cập, Ấn Độ và Nhật Bản. Chỉ 2 tuần sau, Ấn Độ cũng công bố một cuộc điều tra tương tự, tiếp tục gây áp lực lên HRC xuất khẩu của Việt Nam.
Những động thái này không chỉ làm gia tăng áp lực lên thị trường thép Việt Nam mà còn tạo ra mối lo ngại về thời điểm hoàn tất giai đoạn 1 của nhà máy Dung Quất 2, dự kiến hoạt động vào năm 2025.
Chờ đợi quyết định then chốt của Bộ Công Thương
Theo quan điểm của Vietcap, Hòa Phát và Formosa là 2 nhà sản xuất HRC lớn nhất Việt Nam, có thể giảm thiểu tác động bằng cách chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa. Hiện tại, nhu cầu HRC trong nước ước tính 12-14 triệu tấn/năm, vượt xa công suất tối đa khoảng 8-9 triệu tấn của cả 2 doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại từ sự gia tăng nhập khẩu HRC giá rẻ từ Trung Quốc. Để bảo vệ ngành thép trong nước, HPG và Formosa đang tích cực ủng hộ việc áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, kết quả sơ bộ của cuộc điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu dự kiến sẽ được công bố vào tháng 12/2024. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước duy trì sức cạnh tranh và bảo vệ thị phần nội địa, đặc biệt là khi nhà máy thép Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động.