Hà Nội đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị khởi công 2 tuyến metro và 6 cây cầu quy mô lớn
Các dự án bao gồm tuyến Metro số 2 ((Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và 6 cây cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc.
Theo Báo Lao Động, sáng 15/7, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 23 để thảo luận và xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Tại hội nghị, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do Đảng ủy UBND Hà Nội trình bày cho thấy, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển tích cực. GRDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,63%, tạo nền tảng để hoàn thành mục tiêu cả năm với mức tăng trưởng từ 8% trở lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, tăng trưởng chung 6 tháng đạt cao, nhưng quý II thấp hơn so với kịch bản đề ra (7,56% so với 7,93%).
Một số dự án xử lý rác thải, nước thải chậm tiến độ; tình trạng ô nhiễm tại các sông nội đô như Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét, Nhuệ - Đáy chưa được cải thiện rõ rệt; việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch còn nhiều vướng mắc.
Đánh giá về 6 tháng cuối năm 2025, thành phố nhận định khó khăn, thách thức gia tăng song cũng mở ra cơ hội, động lực cho cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân quyết tâm thực hiện hiệu quả các cải cách và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội xác định trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành cùng cấp xã, phường sau sắp xếp tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung hoàn thành sắp xếp, bố trí cán bộ để bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành; kế thừa, phát huy đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, xã; bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã, phường đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.
Thành phố cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; triển khai “bộ tứ trụ cột” gồm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng, thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân.
>> Dự kiến 4 tháng nữa, Hà Nội sẽ khởi công tuyến metro hơn 35.500 tỷ ‘treo’ suốt 17 năm

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư công 2025; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, tập trung vào các dự án trọng điểm như Vành đai 4, các tuyến Metro số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và 6 cây cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc.
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng bảo vệ môi trường, ưu tiên nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án xử lý rác thải, nước thải và tăng cường kiểm soát ô nhiễm.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm đồng bộ với Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, tránh dàn trải, lãng phí.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị khởi công đồng loạt 6 cây cầu lớn trong năm nay, gồm cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (thuộc Vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (thuộc Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc.
Dự kiến, trong tháng 10, UBND TP. Hà Nội cũng sẽ khởi công hai dự án đường sắt đô thị (metro) gồm tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Chuẩn bị khởi công đại đô thị 17.000 dân cạnh sân bay thứ 3 của Tây Nguyên
Dự án giao thông trọng điểm ở Cần Thơ: Chưa khởi công đã... thừa hơn 3.000 tỷ