Hà Nội tiếp tục “khát” nhà ở bình dân

22-04-2022 13:48|Hà Thanh

Tiêu điểm thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2022 của CBRE cho thấy, có khoảng 3.500 căn hộ chung cư mở bán mới, giảm 39% theo quý và 20% theo năm. Đặc biệt, các sản phẩm bình dân tiếp tục khan hiếm.

Phần lớn nguồn cung mới mở bán trong quý I tại Hà Nội đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã mở bán (6 dự án) và chỉ có 2 dự án lần đầu được mở bán.

Chia theo phân khúc, căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 66% tổng nguồn cung mới trong quý.

Phân khúc nhà ở gắn liền với đất, có 296 căn từ 2 dự án được ghi nhận mở bán mới trong quý đầu năm 2022, tương đương với 56% lượng mở bán mới trong quý I/2021. Tất cả các sản phẩm mở bán mới đều là nhà liền kề, với mức giá trung bình vào khoảng 7.000 USD/m2 đất, cao hơn so với mặt bằng giá sơ cấp trung bình cùng kỳ năm ngoái, ở ngưỡng 5.300 USD/m2.

Còn theo vị trí, khu vực phía Tây là khu vực đóng góp nhiều nguồn cung mới nhất với 53% tổng số căn mở bán mới. Phía Đông chỉ có một dự án mới được mở bán, song khu vực này vẫn đứng thứ 2 về tỷ trọng nguồn cung mới với 42%.

Số liệu từ CBRE còn cho thấy, doanh số bán hàng tiếp tục vượt nguồn cung mở bán mới trong bối cảnh nguồn cung mới ở ngưỡng vừa phải. Số căn bán được ghi nhận trong quý là 4.200 căn, trong đó, phân khúc trung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất với 71% tổng doanh số bán hàng trong quý.

Giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý I/2022 được ghi nhận trung bình ở mức 1.655 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm, ở ngưỡng 16% do sự nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị.

Trong khi đó, giá trung bình phân khúc cao cấp giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ trọng cao hơn của các dự án nằm tại khu vực nhà ở mới trong nguồn cung đang chào bán. Quận Tây Hồ ghi nhận mức giá cao mới khi một dự án hạng sang ở vị trí đắc địa được mở bán trong quý này.

Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt 1.278 USD/m2, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm vừa qua do nguồn cung mới hạn chế, đặc biệt là khu vực nằm trong đường Vành đai 3. Các dự án cao cấp tại các quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và Tây Hồ ghi nhận mức tăng giá cao hơn trung bình thị trường, ở ngưỡng từ 10% trở lên theo năm.

Giám đốc CBRE Chi nhánh Hà Nội dự báo nguồn cung mở bán mới dự kiến sẽ tăng trở lại vào năm 2022, đạt khoảng 26.000 - 28.000 căn tại Hà Nội. Tuy nhiên, sự khan hiếm của các sản phẩm bình dân vẫn tiếp diễn do kết nối hạ tầng đến các khu vực ngoại thành xa hơn ngoài đường Vành đai 4 sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện.

Ngoài ra, nguồn cung đến từ các khu đô thị, dự kiến sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn cung mới thị trường. Do tâm lý thị trường vẫn tích cực, số lượng căn bán được dự báo sẽ đạt 90% hoặc cao hơn tổng lượng căn hộ mở bán mới và giá sơ cấp sẽ tăng với tốc độ vừa phải hơn từ 5 - 8% trong năm 2022.

Trong các quý tới, một số các khu đô thị tại Hà Nội và khu vực xung quanh dự kiến sẽ bắt đầu khởi động các hoạt động bán hàng. Tổng nguồn cung mở bán mới trong năm 2022 dự kiến đạt khoảng 3.000 – 4.000 căn.

Do nhu cầu của cả nhà đầu tư và người mua để ở vẫn mạnh mẽ đối với các sản phẩm nhà ở gắn liền với đất, lượng căn bán được dự báo sẽ vượt mức các năm trước và ngang bằng với lượng mở bán mới.

Mặc dù tâm lý thị trường đang tích cực, các diễn biến thị trường tại thời điểm cuối năm nay sẽ phụ thuộc vào những thay đổi trong điều kiện kinh tế vĩ mô trước những lo ngại về mặt bằng giá tăng cao và áp lực lạm phát.

Hạ tầng, pháp lý, sản phẩm vừa túi tiền: Bộ ba 'chìa khóa' giúp bất động sản vượt gió ngược

Sau 8 quý tăng giá liên tiếp, chung cư Hà Nội đã bớt ‘nóng bỏng tay’

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ha-noi-tiep-tuc-khat-nha-o-binh-dan-125071.html
Bài liên quan
  • Nhà triệu USD ngày càng nhiều, nhà ở bình dân tìm không ra!
    Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết: “Giá nhà đất quá cao cản trở quá trình phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Tại Hà Nội và TP HCM, khoảng 70% nguồn cung mới đưa ra thị trường là sản phẩm cao cấp, siêu sang. Thậm chí những căn nhà hơn 1 triệu USD xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi nhà ở bình dân biến mất”.
  • Giải bài toán nhà ở bình dân tại Việt Nam bằng cách nào?
    Vấn đề nhà ở giá phải chăng là một bài toán khó đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt tại các thị trường phát triển và đang phát triển như Việt Nam, thì vấn đề này lại càng khó khăn hơn…
  • Thị trường bất động sản: "Ngóng" hướng dẫn thi hành các dự án luật
    Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết giao cơ quan soạn thảo hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) 2023, Luật Đất đai 2024 trình Quốc hội xem xét đưa vào thực thi sớm hơn dự kiến 6 tháng.
  • Vì sao nhà ở bình dân dần biến mất?
    Tình trạng nhà ở bình dân dần biến mất bởi cộng đồng doanh nghiệp không mặn mà với các dự án này. Nguyên nhân được cho là do chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện; thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài; chi phí đầu vào tăng cao… khiến các nhà phát triển mất nhiều công sức, thời gian để có thể triển khai một dự án.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Hà Nội tiếp tục “khát” nhà ở bình dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH