Từ chối Trung Quốc chỉ nhận tiền của Mỹ, dự án đường sắt 250km nối bốn thành phố lớn dự kiến khởi công năm 2027
Tuyến đường sắt trị giá 868 triệu USD (hơn 22.000 tỷ đồng), dài 250km sẽ nối liền bốn thành phố lớn tại Luzon, kết nối ba cảng biển chiến lược và hai sân bay quốc tế.
Tờ South China Morning Post đưa tin, Chính phủ Philippines cho biết Mỹ đã đồng ý tăng thêm khoản tài trợ cho dự án đường sắt Subic-Clark-Manila-Batangas, một phần quan trọng trong Hành lang Kinh tế Luzon, nhằm kết nối các cảng biển và khu công nghiệp lớn trên đảo Luzon.

Các chuyên gia cho rằng động thái này cho thấy Mỹ muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Philippines, dù Tổng thống Donald Trump đang tạm dừng nhiều khoản viện trợ nước ngoài.
Ông Frederick Go, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống phụ trách đầu tư và kinh tế, công bố thông tin trên tại một cuộc họp báo mới đây. Ông cho biết Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) đã tăng mức tài trợ cho dự án đường sắt từ 2,5 triệu USD lên 3,8 triệu USD, sau khi lựa chọn một công ty tư vấn Mỹ để tham gia dự án. Thông báo chính thức được gửi tới phía Philippines vào ngày 28/4.
“Đây là một dấu mốc quan trọng, cho thấy mối quan hệ kinh tế Philippines - Mỹ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, ông Go khẳng định. Một thỏa thuận chính thức dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian tới. Trước đó, Philippines đã kết thúc đàm phán với Trung Quốc và lựa chọn Mỹ để tài trợ cho dự án.
Tuyến đường sắt trị giá 868 triệu USD (hơn 22.000 tỷ đồng), dài 250km sẽ nối liền bốn thành phố lớn tại Luzon, kết nối ba cảng biển chiến lược và hai sân bay quốc tế. Chính phủ kỳ vọng dự án sẽ tạo công ăn việc làm, giảm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả hậu cần và thúc đẩy luồng thương mại trong nước.
Dự án là một phần của Hành lang Kinh tế Luzon – sáng kiến được công bố trong Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tháng 4/2024. Hành lang này được kỳ vọng sẽ bơm khoảng 100 tỷ USD vào nền kinh tế Philippines, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất pin, năng lượng và chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Tuy nhiên, việc ông Donald Trump tái đắc cử vào tháng 1 đã làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền mới sẽ không tiếp tục ủng hộ các dự án kinh tế như vậy. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ra lệnh tạm dừng 90 ngày đối với tất cả các khoản viện trợ đối ngoại để rà soát lại theo định hướng “Nước Mỹ trên hết” – dù viện trợ an ninh trị giá 336 triệu USD dành cho Philippines vẫn được duy trì.

Các chuyên gia nhận định quyết định tiếp tục hỗ trợ tài chính cho dự án đường sắt cho thấy Washington coi Manila là đối tác chiến lược, đồng thời củng cố lòng tin vào mối quan hệ đồng minh song phương. Ông Julio Amador, Chủ tịch lâm thời của tổ chức nghiên cứu Foundation for the National Interest, cho rằng động thái này thể hiện sự nhất quán chính sách của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Philippines như một đồng minh trọng yếu.
Chuyên gia kinh tế trưởng Michael Ricafort từ Ngân hàng Thương mại Rizal cho rằng việc Mỹ tiếp tục tài trợ là tín hiệu tích cực và vượt ngoài kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh chương trình Chips Act dưới thời ông Biden đang bị chính quyền Trump xem xét chấm dứt.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc dự án này, trong khi Thụy Điển, Anh và Úc đang bày tỏ mong muốn tham gia. Theo ông Go, Philippines đang đàm phán với Swedfund – tổ chức tài chính phát triển của Thụy Điển – để bổ sung thêm 1,2 triệu USD vào dự án.
Chính phủ Philippines đặt mục tiêu khởi công tuyến đường sắt Subic-Clark-Manila-Batangas này vào năm 2027.
Tham khảo SCMP, Moneycontrol, Phistar