Vĩ mô

Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng tại Thổ Nhĩ Kỳ

Phan Trang 29/11/2023 - 19:27

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN và chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với thế giới. Con số này cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho việc gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng tại Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 1.

Gian hàng giới thiệu hàng Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Thổ Nhĩ Kỳ, Báo Điện tử Chính phủ đã có trao đổi với đại diện Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) về thương mại giữa hai nước cũng như những định hướng trong thời gian tới.

Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN và chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với thế giới. Con số cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho việc gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Tây Á. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác xuất khẩu phi dầu mỏ lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là cửa ngõ cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông-Bắc Phi, là nơi trung chuyển vào thị trường châu Âu (EU).

Trong 2 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng trưởng tốt và duy trì ở mức tăng 2 con số.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ đạt trên 2 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2021, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 30,7%, kim ngạch nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đạt 433,6 triệu USD, tăng 11,9%.

Trong 10 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 16,1% và nhập khẩu đạt 369,2 triệu USD, tăng 8,5%.

Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng tại Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu còn nhiều tiềm năng cho các sản phẩm của Việt Nam như hàng may mặc, xơ sợi và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép... - Ảnh minh họa

Nhiều tiềm năng cho nhóm hàng may mặc, xơ sợi

Thổ Nhĩ Kỳ đang nhập khẩu và là thị trường xuất khẩu còn nhiều tiềm năng cho các mặt hàng của Việt Nam như điện thoại, hàng may mặc, xơ sợi và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su và sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm gỗ, gạo, thủy sản, hạt tiêu, chè...

Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cung ứng cho thị trường Việt Nam các mặt hàng: máy móc thiết bị, vải, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng ô tô, quặng kim loại, sản phẩm điện gia dụng... Hai bên cũng duy trì trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường, kết nối giao thương,

Nhìn chung, trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế thế giới nhiều diễn biến bất lợi, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng trưởng tích cực.

Trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam có lợi thế đối với các mặt hàng điện thoại, xơ sợi, giày dép, gia vị (hạt tiêu, quế, hồi, nước sốt), cà phê, cao su, sắt thép, thực phẩm chế biến (trái cây sấy khô, đóng hộp, mỳ, bún miến khô)… Đây là những mặt hàng có thể xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Sản phẩm Việt phải cạnh tranh được về giá

Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành nông nghiệp, thủy sản khá phát triển và đa dạng. Thổ Nhĩ Kỳ có một số ngành hàng có lợi thế trùng với Việt Nam như điện tử, sắt thép, dệt may, chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ… Tuy nhiên, chi phí sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn.

Tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn hàng nhập khẩu do vị trí địa lý thuận tiện của Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa 3 châu lục, nằm sát châu Âu và đặc điểm của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giao thương sầm uất từ lâu đời. Các doanh nghiệp sở tại cũng rất năng động, rất thành thạo trong việc tìm kiếm những nguồn cung ứng với chi phí cạnh tranh để giảm giá thành.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho rằng: Các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thổ Nhĩ kỳ, ngoài yếu tố phải bảo đảm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, thì phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường nhạy cảm về giá.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu về thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại địa bàn, tham gia giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm quy mô lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường các cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối, chế biến của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng tại Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 7.

8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 105.000 tấn, trị giá hơn 58 triệu USD, tăng gấp hơn 140 lần về lượng và tăng gấp 36 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 - Ảnh minh họa

Lưu ý thêm, Bộ Công Thương cũng thông tin: Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng gian lận, lừa đảo thương mại vẫn có khả năng xảy ra. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lần đầu giao dịch với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng, tham khảo thông tin xác minh doanh nghiệp từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi giao dịch, các doanh nghiệp phải cẩn trọng trong soạn thảo hợp đồng, phải có điều khoản giải quyết tranh chấp, lưu ý sử dụng các phương thức thanh toán, giao hàng an toàn để hạn chế rủi ro trong giao dịch.

Xem xét thiết lập FTA Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ

Về những công việc tiếp theo sau chuyến thăm của Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết, trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Uỷ ban hỗn hợp giữa hai nước; đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Đặc biệt, các cuộc họp sẽ tiếp tục xem xét, trao đổi với phía Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng thiết lập một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước vào thời điểm phù hợp. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác logistics với Thổ Nhĩ Kỳ để tạo tuận lợi, giảm chi phí cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm hiểu và cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp kết nối, đưa các mặt hàng có thế mạnh (nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến, sản phẩm gia dụng…) vào hệ thống phân phối tại Thổ Nhĩ Kỳ như hệ thống siêu thị Carrefour, Metro, Macro Centre, Migros.

Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hằng năm tại Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường, tìm kiếm đối tác, tăng cường xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Công Thương nhận định: Chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ lần này cho thấy Việt Nam sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Các nội dung hợp tác kinh tế, thương mại sẽ là một trong những trọng tâm trong hội đàm, trong trao đổi thảo luận của lãnh đạo cấp cao và các hoạt động tiếp xúc song phương khác giữa hai bên.

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, thương mại trong bối cảnh Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối tác tại khu vực Tây Á và tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực thị trường nhiều tiềm năng này.

Sớm nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ lên 4 tỷ USD

Việt Nam là đối tác kinh tế ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Công ty Thổ Nhĩ Kỳ Hayat: Quyết định đầu tư vào Việt Nam là một bước đi chiến lược

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/hang-hoa-viet-nam-duoc-ua-chuong-tai-tho-nhi-ky-102231127184601262.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng tại Thổ Nhĩ Kỳ
POWERED BY ONECMS & INTECH