Hàng loạt quốc gia gần Việt Nam muốn gia nhập BRICS, tại sao?
BRICS đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan và Myanmar.
BRICS được thành lập vào năm 2009 nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa giữa các thành viên.
Ban đầu chỉ có bốn nước với tên BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), sau đó khối đã đổi thành BRICS vào năm 2010 khi Nam Phi gia nhập. Hiện nay, BRICS chiếm khoảng 40% dân số thế giới và 1/4 tổng GDP toàn cầu.
Với sự mở rộng gần đây, bao gồm các quốc gia như Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê-Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), khối này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan và Myanmar.
Một số nước Đông Nam Á “chú ý” tới BRICS
Cả Malaysia và Thái Lan đều bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nền kinh tế mới nổi và đa dạng hóa các lựa chọn chiến lược của họ trên trường quốc tế.
Đối với Malaysia, việc gia nhập BRICS được coi là cơ hội tham gia vào chủ nghĩa đa phương đang phát triển. Ngoài ra, mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quyết định này.
Về phía Thái Lan, mục tiêu gia nhập BRICS không chỉ giúp củng cố vai trò lãnh đạo của nước này trong cộng đồng các quốc gia mới nổi mà còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế.
Việc gia nhập cũng có thể được xem là một cách để nước này khởi động lại nền kinh tế đang suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, BRICS cũng đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) vào năm 2014 để hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển trong khối.
Từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015, NDB đã phê duyệt hơn 32 tỷ USD cho các khoản vay và dự kiến sẽ giải ngân thêm 5 tỷ USD trong năm nay. Nếu Malaysia và Thái Lan gia nhập, họ có thể tiếp cận các nguồn tài trợ này, giúp thúc đẩy các dự án hạ tầng lớn phù hợp với chương trình phát triển quốc gia.
Đối với các nước khác, hồi tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết họ cũng “có nghiên cứu những lợi ích có thể đạt được khi gia nhập BRICS”. Lào trước đây cũng từng bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập khối này.
Hồi tháng 9, Myanmar đã thông báo nước này mong muốn tham gia BRICS với tư cách là nhà nước quan sát viên. "Myanmar quan tâm đến việc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Kazan mặc dù vẫn chưa nhận được lời mời. Trong tương lai, chúng tôi muốn nộp đơn gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ", Bộ trưởng Thông tin Maung Maung Ohn nói.
Còn Singapore và Philippines vẫn chưa đưa ra lập trường về việc gia nhập khối này.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có tiềm năng trở thành siêu cường mới của châu Á
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á áp thuế bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc