Hé lộ lý do sân bay lớn nhất Việt Nam cần thiết xây dựng đường băng thứ 2
Đề xuất, kiến nghị về đường băng số 2 sân bay Long Thành sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Ngày 2/11, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi làm việc về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Về kiến nghị xây dựng đường băng thứ 2, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ACV, Giám đốc Ban quản lý dự án sân bay Long Thành cho rằng, việc xây dựng thêm đường băng số 2 thời điểm này sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng đang phục vụ thi công giai đoạn 1.
Ngoài ra, việc xây dựng đường băng số 2 giai đoạn này sẽ tránh được ảnh hưởng đến hoạt động khi đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác, vì nếu sau này mới triển khai thi công thì bụi công trình sẽ "tấn công" nhà ga. Mặt khác, khi có thêm đường băng thứ 2 sẽ đảm bảo an toàn bay, dự phòng khi đường băng số 1 gặp sự cố.
Các hạng mục dự án sân bay Long Thành vẫn đang đi đúng tiến độ. Ảnh internet |
Ông Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, quy hoạch sân bay Long Thành đã có sẵn các đường cất hạ cánh, lúc này có nhiều yếu tố thuận lợi về giá, thiết bị, nhân sự nên việc xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 là hợp lý.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đánh giá các ý kiến phát biểu đều thống nhất cần thiết bổ sung thêm đường băng thứ 2, kéo dài thời gian hoàn thành giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành đến 2/9/2026 và phân cấp cho Chính phủ quyết định đầu tư. Những đề xuất, kiến nghị về sân bay Long Thành sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Trước đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã báo cáo, xin xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ 2 tại sân bay Long Thành với kinh phí khoảng 3.400 tỷ đồng. Chi phí này không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành. Nếu được thông qua, đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ khởi công vào cuối năm 2025, hoàn thành vào quý III/2026.
Thông tin từ báo Thanh Niên, trong cuộc họp này, đại diện chủ đầu tư ACV cũng báo cáo tiến độ sân bay Long Thành đến đoàn Đại biểu.
Cụ thể, gói thầu nhà ga hành khách với khối lượng hoàn thành gần 31%. Các nhà thầu đã xây dựng xong phần bê tông cốt thép cho cột, dầm, sàn của bốn tầng và hiện đang lắp đặt kết cấu mái thép. Dự kiến, toàn bộ gói thầu này kết thúc vào ngày 31/8/2026.
Tiến độ gói thầu đường cất băng số 1 và sân đỗ cũng đạt gần 43%. Công tác đào đắp, san lấp, bê tông xi măng đang được đẩy mạnh. Riêng phần đường cất hạ cánh đã hoàn thành lớp nền, móng và cơ bản hoàn thành lớp bê tông xi măng. Dự kiến hoàn thành và khai thác kỹ thuật trước 30/4/2025.
Về 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2, sản lượng đạt hơn 55%. Tuyến đường T1 dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2025, đảm bảo kết nối thuận lợi vào sân bay. Đối với hạng mục sân đỗ tàu bay đã khởi công từ tháng 9/2024, dự kiến hoàn thành vào ngày 11/8/2026.
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD, gồm 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, sân bay Long Thành dự kiến sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách mỗi năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam và hướng tới vị thế trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế trong khu vực.