Hé lộ vị trí nhà ga của tuyến đường sắt gần 85.000 tỷ tại tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam
Theo đề xuất, dự án có chiều dài 41,83km, trong đó đoạn qua TP. HCM dài hơn 11,7km và đoạn qua Đồng Nai kéo dài hơn 30km.
Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan tham gia ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành do liên danh đơn vị tư vấn Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và CTCP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) lập.
Theo phương án đề xuất, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 41,83km, trong đó đoạn qua TP. HCM dài hơn 11,7km và đoạn qua Đồng Nai kéo dài hơn 30km. Loại hình vận tải được đề xuất cho dự án này là đường sắt vận chuyển nhanh (RRT/MRT).
Vị trí của dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Nguồn ảnh: Smart Land |
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đơn vị tư vấn, tuyến đường sẽ bắt đầu từ ga Thủ Thiêm và kết thúc tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Toàn tuyến sẽ có 20 nhà ga, trong đó có 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Riêng tỉnh Đồng Nai sẽ có 12 ga gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có 7 ga trên cao gồm: ga S9 - Long Tân (xã Long Tân); ga S10 - Phú Thạnh và S11 - Tuy Hạ (xã Phú Thạnh); ga S12 - Nhơn Trạch và S13 - Phú Hội (xã Phú Hội); ga S14 - Phước Thiền và S15 - Hiệp Phước (thị trấn Hiệp Phước).
Huyện Long Thành có 1 ga trên cao là ga S16 (xã Long An) và 4 ga ngầm gồm: ga S17 và S18 (xã Long Phước); ga S19 - Long Thành T1-2 và ga S20 - Long Thành T3-4 (xã Bình Sơn, gần sân bay Long Thành).
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất xây dựng một khu depot rộng hơn 21ha tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.
Cũng theo đề xuất, dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có tổng mức đầu tư sơ bộ gần 85.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,4 tỷ USD (chưa bao gồm lãi vay). Dự án dự kiến khởi công vào năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2030.
Ảnh minh họa |
Liên danh tư vấn cho rằng việc đầu tư vào tuyến đường sắt này là vô cùng cần thiết nhằm đạt được bốn mục tiêu quan trọng: Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách trên tuyến kết nối giữa trung tâm TP. HCM và Sân bay Long Thành; mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, phân bổ dân cư và lao động dọc tuyến đường, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ; đồng thời phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ngoài các dự án trên, tỉnh Đồng Nai còn đang triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành - siêu dự án có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD. Trong giai đoạn 1, dự kiến khai thác vào năm 2026, sân bay sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi hoàn thành, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế khu vực và cả nước.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Việt Nam hướng tới tự chủ công nghệ
Bộ giao thông vận tải trình Quốc hội đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam