Hiệu ứng bên lề từ Nghị định 168 về bia rượu và cơ hội vàng cho VinFast
Việc siết chặt các quy định về nồng độ cồn không chỉ nâng cao an toàn giao thông mà còn "châm ngòi" cho sự bùng nổ của ngành dịch vụ lái xe cho người say – một thị trường tiềm năng đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.
Ngành công nghiệp từ “nỗi lo say xỉn”
Trước thực trạng rượu bia gây hàng loạt tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhiều nước đã tăng cường quy định xử phạt hành vi lái xe khi có hơi men. Từ đó, các dịch vụ đưa đón, lái xe thuê cho người sử dụng bia rượu cũng nở rộ.
Dịch vụ đưa đón, lái xe thuê cho người sử dụng bia rượu phát triển ở nhiều nước trên thế giới (Ảnh minh họa) |
Nổi bật nhất phải nhắc tới Hàn Quốc. Trang Koreaexpose nhận định, dịch vụ "lái xe thuê" cho người uống rượu ở Hàn Quốc được ví như "Uber" cho người say. Bắt đầu phát triển ở Hàn Quốc vào cuối những năm 1990, dịch vụ này nhắm vào các doanh nhân muốn về nhà bằng chính xe của họ sau khi uống rượu. Trong thập kỷ qua, lĩnh vực này là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của Hàn Quốc, tương ứng với tốc độ tiêu thụ rượu ngày càng tăng.
Hiệp hội lái xe dịch vụ Hàn Quốc cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2019, ước tính có hơn 5.500 công ty đăng ký trên cả nước và hàng ngàn công ty chưa đăng ký, sử dụng tới 120.000 tài xế thay thế.
Tại Trung Quốc, dịch vụ lái xe hộ người say rượu bắt đầu nở rộ từ năm 2011 khi sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện uống rượu lái xe. Hành vi vi phạm sẽ bị quy là tội hình sự, có thể bị tước bằng lái.
Không chỉ phát triển tại Hàn Quốc, Trung Quốc, dịch vụ lái xe hộ còn còn phát triển tại nhiều nước như Nhật Bản, Singapore, Australia và Mỹ - những quốc gia vốn có luật khá nghiêm khắc với hành vi lái xe khi say rượu, dù đã hoặc không gây tai nạn.
Tại Mỹ, ở một số địa phương như bang California, cơ quan quản lý đường cao tốc còn khuyến khích đồng thời phối hợp với các quán bar, nhà hàng… để mở dịch vụ đưa khách say về nhà an toàn những dịp lễ tết.
Nghị định 168 - động lực mới cho ngành dịch vụ lái xe cho người say
Tại Việt Nam thời điểm trước năm 2020, dịch vụ lái xe hộ người say từ lâu được nhiều đơn vị để mắt đến nhưng mô hình này chưa được đầu tư nghiêm túc vì nhiều lý do. Trong đó, thói quen tự lái xe khi say của người Việt được xem là nguyên nhân chính.
Trong quá khứ, Uber Việt Nam cũng đã thử triển khai giải pháp “thổi để gọi xe” vào năm 2015 tại Hà Nội với một quy trình hoàn hảo về phía người dùng, nhưng kết quả vẫn thất bại nhanh chóng.
Bước ngoặt xảy ra khi Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, với mức xử phạt nặng hơn đối với hành vi lái xe khi có nồng độ cồn. Từ đó, dịch vụ lái xe cho người say bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Việc thổi nồng độ cồn và tăng mức xử phạt đã thay đổi hành vi của người dân (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2025, Bộ Công an sẽ áp dụng Nghị định 168 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay thế các quy định hiện hành tại Nghị định 100. Một trong những điểm mới đáng chú ý là mức xử phạt nặng hơn đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia. Cụ thể:
- Nồng độ cồn dưới 0,05%: Không thay đổi với cả người điều khiển xe máy và ô tô.
- Nồng độ cồn từ 0,05% - 0,08%: Đối với xe máy tăng từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng, trong khi mức phạt với ô tô tăng lên 18-20 triệu đồng.
- Nồng độ cồn trên 0,08%: Mức phạt xe máy tăng từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng, trong khi tài xế ô tô bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng.
Bên cạnh việc tăng tiền phạt, Nghị định 168 còn áp dụng hệ thống điểm phạt thay cho việc đình chỉ giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, mỗi GPLX có 12 điểm/năm và sẽ bị trừ điểm tùy mức độ vi phạm. Khi điểm về 0, GPLX sẽ bị thu hồi và chỉ được cấp lại sau tối thiểu 6 tháng nếu người vi phạm thi đậu bài kiểm tra lại.
Những thay đổi này dự kiến sẽ làm giảm đáng kể số trường hợp lái xe sau khi uống rượu bia, đồng thời làm dịch chuyển hành vi tiêu dùng của người dân chuyển dịch khi ưu tiên sử dụng dịch vụ gọi xe sau khi uống rượu bia thay vì tự lái phương tiện. Đây được xem là 1 cơ hội tiềm năng đối với ngành dịch vụ lái xe cho người say tại trường Việt Nam.
Hiệu ứng từ Nghị định 168 và cơ hội cho VinFast
Tiêu thụ rượu bia bình ổn trở lại
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), do tình hình kinh tế khó khăn, niềm tin tiêu dùng giảm và hoạt động kiểm tra nồng độ cồn gắt gao, tiêu thụ bia tại Việt Nam ước tính giảm 5% về giá trị trong năm 2023. Xu hướng này tiếp tục trong nửa đầu năm 2024 với mức giảm khoảng 2-3% trước khi đi ngang trong quý III/2024, cho thấy một số dấu hiệu sớm rằng tiêu thụ đã chạm đáy.
Với tín hiệu tích cực này, BVSC kỳ vọng tiêu thụ bia sẽ tiếp tục phục hồi và tăng 8% trong năm 2025.
Nguồn: BVSC |
Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng người tiêu dùng có thể trở lại mua sản phẩm bia rượu cận cao cấp do chi tiêu phục hồi.
Bạn uống tôi lái - khách sộp của VinFast
Tháng 10/2024, CTCP Dịch vụ Bạn uống tôi lái (BUTL) đã ký biên bản ghi nhớ mua và thuê bổ sung 10.000 xe máy điện VinFast từ CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (GSM).
Theo thỏa thuận, BUTL sẽ đặt cọc và nhận ngay 3.668 xe trong 3 tháng cuối năm 2024, triển khai dưới thương hiệu Bship. Với thỏa thuận này, BUTL trở thành đối tác độc quyền của Xanh SM, khai thác dịch vụ tại 5 tỉnh miền Trung và 1 tỉnh thuộc Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc Công ty GSM toàn cầu (trái) và ông Trần Nhật Trường – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Bạn Uống Tôi Lái (phải) tại lễ ký kết |
Sau Xanh SM, Bship là thương hiệu tiếp theo sử dụng 100% phương tiện điện. Trước đó, vào tháng 12/2023, công ty đã thuê 5.000 xe VinFast từ GSM để triển khai dịch vụ tại 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Việc BUTL quyết định tăng thêm 10.000 xe máy điện VinFast vào đội xe 5.000 chiếc cho thấy xu hướng chuyển đổi xanh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vận tải.
Với mục tiêu xây dựng văn hóa "đã uống rượu bia, không lái xe" tại Việt Nam, BUTL đã nhanh chóng khẳng định vị thế thông qua việc phát triển dịch vụ đa dạng, từ xe ôm công nghệ đến taxi điện và giao hàng.
Dưới tác động của Nghị định 168, quy định xử phạt nghiêm các hành vi lái xe khi có nồng độ cồn, thị trường gọi xe công nghệ và dịch vụ lái xe hộ người say nhận được cú hích đáng kể. Quy định này không chỉ thúc đẩy ý thức của người dân trong việc tuân thủ luật giao thông mà còn tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong thói quen tiêu dùng. Người dân sẽ chủ động từ bỏ phương tiện cá nhân khi tham gia các buổi tiệc tùng, nhậu nhẹt và chuyển sang sử dụng các ứng dụng gọi xe như Xanh SM, BUTL,… hay dịch vụ giao thông công nghệ như Bạn uống tôi lái (BUTL).
Điều này kỳ vọng mang lại lợi ích trực tiếp cho BUTL, Xanh SM, đồng thời góp phần thúc đẩy doanh số xe điện của VinFast.
Đặc biệt, VinAI - công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, gần đây đã giới thiệu công nghệ DrunkSense, một giải pháp tiên tiến được thiết kế để phát hiện trạng thái say rượu của tài xế thông qua hệ thống đa cảm biến. Công nghệ này có khả năng theo dõi biểu hiện khuôn mặt, giám sát hành vi điều khiển phương tiện và đo nồng độ cồn trong không khí với độ chính xác lên đến 85%.
Ông Cáp Thanh Vương, Giám đốc Khối Sản phẩm Di chuyển Thông minh tại VinAI chia sẻ: “DrunkSense được phát triển trong bối cảnh quy định chống lái xe khi say rượu đang ngày càng nghiêm ngặt trên toàn cầu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Thông qua DrunkSense, công nghệ tiên tiến có khả năng tự động vận hành và độ chính xác vượt trội, chúng tôi hy vọng sẽ mang tới giải pháp an toàn cho các hãng xe trong việc tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt, góp phần đem lại sự an tâm cho mọi người khi tham gia giao thông”.
DrunkSense không chỉ là một công nghệ an toàn mà còn là giải pháp giá trị gia tăng mà Vingroup có thể cung cấp cho các hãng xe khác, bao gồm cả các đối tác trong nước và quốc tế. Các nhà sản xuất ô tô có thể tích hợp DrunkSense vào các dòng xe mới của mình để nâng cao tính an toàn và đáp ứng tiêu chuẩn giao thông tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.
>> Kế hoạch mới của VinFast tại thị trường đông dân nhất thế giới
Chuyên gia chỉ ra 2 doanh nghiệp nhà Vinachem sẽ hưởng lợi nhờ doanh số bán xe điện của VinFast
VinFast kiến nghị chính sách giá điện cho hệ thống 150.000 cổng sạc, Bộ Công Thương nói gì?