Vĩ mô

Hơn 4.900 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy

Thu Hằng 25/12/2024 - 19:04

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định...

Chiều 25/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược, thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn lực, động lực phát triển.

Quốc hội, Chính phủ đã cùng nhau thực hiện chủ trương của Đảng, dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế nhưng đến nay thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Kỳ họp thứ 8 đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết, trong đó, nhiều luật, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như: Đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.

phamminhchinh.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thực tiễn chứng minh việc đưa các chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả luôn là thách thức lớn. Do đó, hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng; củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào pháp luật; giúp cán bộ, công chức nắm vững các quy định, tự tin, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ....

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết.

Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 2/2025.

Cùng với đó là việc triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trong số này có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội; 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 3.642 văn bản cấp bộ.

tranthanhman 1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Nhật Bắc

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình. Theo đó, có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương, kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

Nhấn mạnh trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không tránh khỏi có sự xáo trộn nhất định trong tổ chức, hoạt động của một số bộ, cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản.

Sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn.

Về việc triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gắn với công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 cũng có khối lượng công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật, chưa kể còn một số dự án Chính phủ đang xem xét để tiếp tục đề nghị bổ sung vào chương trình.

Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, bảo đảm luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài.

Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định để linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Đồng thời yêu cầu cần chú trọng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, sự nhất quán về chính sách, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh đến việc khẩn trương gửi kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Trong đó, đối với việc sửa đổi các luật liên quan đến tên, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan sẽ thay đổi sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, đồng thời với việc quyết định bổ sung vào chương trình Kỳ họp lần thứ 9.

Với khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải cùng "chung tay", góp sức và nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp soạn thảo, thẩm định, cho ý kiến nhằm ban hành các văn bản bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực đồng thời với luật, nghị quyết.

>>Chi tiết phương án sáp nhập sở ngành của Hà Nội sau sắp xếp

Thông tin về sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở các cơ quan, ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội

Bí thư Bình Định nói về tinh gọn bộ máy ở tỉnh

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hon-4-900-van-ban-chiu-su-tac-dong-cua-viec-sap-xep-to-chuc-bo-may-2356394.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hơn 4.900 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy
    POWERED BY ONECMS & INTECH