Vĩ mô

Hòn ngọc Viễn Đông: Ký ức bát cơm độn khoai, sắn và hành trình cất cánh vươn xa

Phúc Lam 28/04/2025 - 20:23

Thập niên đầu sau thống nhất, danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” chìm vào quá khứ, trong khi không lâu trước đó, Sài Gòn thậm chí vượt trội hơn một số thành phố lớn trong khu vực như Bangkok, Manila hay Singapore.

Theo VnExpress, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, hàng nghìn cơ sở kinh doanh quy mô lớn, nhỏ của TP.HCM tiếp tục kế thừa và vận hành hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ duy trì được khoảng 2 năm khi còn nguyên liệu dự trữ.

Đến năm 1978, nguyên vật liệu cạn kiệt do Việt Nam bị cấm vận, nhiều mặt hàng không thể nhập khẩu từ nước ngoài như trước, trong nước lại không thể sản xuất. Đây là giai đoạn khó khăn với nhiều doanh nghiệp.

Chia sẻ với VnExpress, PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, thập niên đầu sau thống nhất, danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” chìm vào quá khứ, trong khi không lâu trước đó, Sài Gòn thậm chí vượt trội hơn một số thành phố lớn trong khu vực như Bangkok, Manila hay Singapore.

Ông Biên hồi tưởng: “Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Sài Gòn phải ăn cơm độn, từ khoai sắn đến bo bo, có lúc độn đến 90%. Đời sống nhân dân sa sút thê thảm”.

Ông Biên nói: “Trong lịch sử nước ta từ năm 1930 đến nay, Đảng hai lần dùng chữ hiểm nghèo để chỉ tình thế của cách mạng: lần thứ nhất là năm 1945 - 1946, lần thứ hai là sau giải phóng miền Nam đến năm 1986”.

Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 là giai đoạn đầy thử thách của TP.HCM. Kinh tế suy giảm, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 2,7%/năm.

Hòn ngọc Viễn Đông: Ký ức bát cơm độn khoai, sắn và hành trình cất cánh vươn xa
Sài Gòn xưa - Tư liệu

Tuy nhiên, với ý chí vươn lên, TP.HCM đã không chịu khuất phục, chủ động tìm tòi, đổi mới từ thực tiễn để tháo gỡ những ràng buộc, mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước.

Chia sẻ với Đài Truyền hình TP.HCM, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhận định, chính tư duy đột phá, dám làm khác và hành động từ thực tế đã giúp TP.HCM trở thành điển hình trong quá trình đổi mới, đưa kinh tế thành phố vượt qua giai đoạn trì trệ.

Cùng với Saigon Co.op, TP.HCM cũng là nơi đặt nền móng cho nhiều mô hình kinh tế mới. Năm 1987, Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn Công Thương ra đời đã mở đầu cho mô hình ngân hàng cổ phần tại Việt Nam.

Đến năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận chính thức đi vào hoạt động, đây là khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đến năm 2000, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM được thành lập, đặt dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thị trường tài chính. Đến năm 2002, Khu Công nghệ cao TP.HCM ra đời và trở thành một trong ba khu công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam.

Nhà giáo Ưu tú – PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, TP.HCM luôn phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo, nhất là trong những giai đoạn khó khăn. Theo ông Ngân, chính tinh thần dấn thân ấy đã giúp thành phố giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế, đóng góp hơn 22% GDP và gần 1/3 ngân sách quốc gia mỗi năm.

Giai đoạn 10 năm (1975-1985), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM chỉ tăng bình quân 2,7%.

Vào năm 1986, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gồm nhiều thành phần kinh tế, TP.HCM đã nỗ lực vươn lên, từng bước khẳng định thương hiệu đầu tàu kinh tế của cả nước.

Kinh tế của thành phố tăng trưởng cao liên tục, giai đoạn 1986-1990 tăng trưởng 7,82% (cả nước 4,4%); giai đoạn 1991-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hai con số (11-12%/năm); giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,22/năm.

Đến giai đoạn 2016-2020, GRDP tăng trưởng bình quân 6,41%/năm. Điều này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020, thành phố chỉ tăng trưởng 1,16%, thấp hơn tăng trưởng 2,9% của cả nước.

>>Sản phẩm này cháy hàng dịp 30/4, xưởng sản xuất tăng ca ngày đêm

Hòn ngọc Viễn Đông: Ký ức bát cơm độn khoai, sắn và hành trình cất cánh vươn xa
Sài Gòn năm 1972 - Tư liệu

Năm 2024, tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 7,17% gần đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 7,5 - 8,5%); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,3% so với cùng kỳ; mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển của công nghiệp thành phố.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 21,5%; tổng doanh thu du lịch tăng 18,8%; khách quốc tế đến thành phố ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 502.000 tỷ đồng, đạt hơn 104% dự toán năm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ.

Đến quý I/2025, GRDP của thành phố ước tăng 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có nhiều tín hiệu khả quan, đạt hơn 567 triệu USD, tăng 23,4%. Thành phố cấp phép cho 267 dự án FDI mới và chấp thuận 435 lượt góp vốn, mua cổ phần.

Hòn ngọc Viễn Đông: Ký ức bát cơm độn khoai, sắn và hành trình cất cánh vươn xa
Sài Gòn nay - Ảnh: Internet

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM sẽ hợp nhất thành một địa phương mới, giữ tên TP.HCM. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM hiện nay.

Sau sáp nhập, TP.HCM càng củng cố vị thế “đầu tàu kinh tế” với quy mô GRDP vượt 2,7 triệu tỷ đồng – gần gấp đôi Hà Nội (khoảng 1,4 triệu tỷ đồng), tiếp tục dẫn đầu cả nước.

TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là ba điểm nóng kinh tế của khu vực phía Nam, nơi quy tụ nhiều hoạt động sản xuất - đầu tư quy mô lớn.

Dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, TP.HCM đã thu hút gần 59 tỷ USD tính đến năm 2024. Thành phố đang tập trung triển khai loạt đề án chiến lược như phát triển trung tâm tài chính, các khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, yêu cầu đặt ra với TP.HCM là phát triển nhanh nhưng “chiếc áo” của thành phố đã hết sức chật chội. Nếu TP.HCM không được mở rộng, với dân số gần 10 triệu người, trong khi diện tích chỉ có hơn 2.000 km2 thì rất khó để có thể giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng, nhà ở, phát triển công nghệ cao…

Cho nên nghiên cứu sắp xếp TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ giúp giải quyết được các vấn đề ách tắc trong không gian phát triển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà còn mở ra không gian phát triển đô thị, không gian biển, không gian du lịch...

>>TP.HCM sau sáp nhập: Dân số, diện tích và GRDP so sánh ra sao với Thượng Hải, Bangkok, Singapore?

Tỷ suất lợi nhuận cho thuê chung cư tại Hà Nội và TP.HCM lao dốc, từ gần 5% chỉ còn 3,1%

TP.HCM: 14 đơn hàng xuất khẩu trị giá gần 14 tỷ đồng bị hủy trong nửa tháng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hon-ngoc-vien-dong-ky-uc-bat-com-don-khoai-san-va-hanh-trinh-cat-canh-vuon-xa-288178.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòn ngọc Viễn Đông: Ký ức bát cơm độn khoai, sắn và hành trình cất cánh vươn xa
    POWERED BY ONECMS & INTECH