Huyện đông dân nhất Việt Nam sắp trở thành 'thành phố trong thành phố'

25-01-2024 21:34|Thảo Đan

Thu ngân sách của huyện đông dân nhất Việt Nam năm 2023 đạt 2.158 tỷ đồng, vượt 3% so với dự toán.

Bình Chánh là huyện rộng thứ 3 của TP. HCM, có tổng diện tích tự nhiên là 253km2, chiếm 12% diện tích toàn thành phố. Đây là huyện đông dân nhất của cả nước với hơn 815.000 người.

Trong họp mặt kỷ niệm 20 năm chia tách địa giới hành chính huyện Bình Chánh ngày 1/12/2023, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam cho biết, quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện sẽ còn diễn ra nhanh, dân số của huyện sẽ luôn ở mức cao do tăng cơ học, trung bình 30.000 người mỗi năm.

Năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, tổng giá trị sản xuất của Bình Chánh ước đạt gần 84.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 4%; Ngành công nghiệp xây dựng đạt hơn 67.000 tỷ, tăng 9,5%; Ngành thương mại - dịch vụ đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách của Bình Chánh năm 2023 đạt 2.158 tỷ đồng, đạt 103% so với dự toán. Con số này cao hơn 3 tỉnh Bắc Kạn (837 tỷ đồng), Điện Biên (1.570 tỷ đồng), Cao Bằng (2.086 tỷ đồng), ngang với tỉnh Lai Châu (2.190 tỷ đồng). Trong đó, thuế công thương nghiệp là 777 tỷ đồng, đạt gần 118% dự toán, tăng hơn 7% so với cùng kỳ; tiền sử dụng đất đạt gần 239 tỷ đồng; đạt gần 60% dự toán, giảm gần 44% so với cùng kỳ.

Mức thu ngân sách năm 2023 của Bình Chánh đã tăng gấp 13,8 lần so với năm 2004 – năm huyện chia tách địa giới hành chính. 5 năm liên tiếp từ 2019, thu ngân Nhà nước của huyện đã đạt trên 2.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2004 - 2023, đạt khoảng 22.066 tỷ đồng, đạt 110% so với tổng dự toán được giao (20.067 tỷ đồng).

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 98%. Cụ thể, năm 2023, huyện được giao vốn gần 2.565 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công UBND TP là 657,6 tỷ đồng; vốn bồi thường GPMB 1.908 tỷ đồng.

Đầu năm 2023, toàn huyện có 641 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,31% so với tổng số hộ dân. Tính đến hiện tại, huyện Bình Chánh đã không còn hộ nghèo có mức thu nhập dưới 36 triệu đồng mỗi người mỗi năm. (Tiêu chuẩn hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống; Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống).

Năm nay, huyện cũng đặc biệt đẩy mạnh công tác đầu tư giải phóng mặt bằng, công trình trọng điểm như dự án đường vành đai 3, quốc lộ 50, hu y tế kỹ thuật cao Tân Kiên, các trường học trạm y tế…

Bất động sản huyện Bình Chánh. Ảnh: Quỳnh Trần
Huyện Bình Chánh sẽ lên thành phố vào năm 2025. Ảnh minh hoạ

>> Huyện rộng nhất Việt Nam: Có 60km đường biên giới giáp Lào, thu ngân sách nghìn tỷ

Năm 2024, Bình Chánh phải đạt mục tiêu xây dựng các tiêu chí để phấn đấu đến năm 2025 được công nhận lên thành phố trực thuộc TP. HCM. Cụ thể, tại hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) của Huyện uỷ Bình Chánh tổ chức cuối tháng 12/2023, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết năm 2024, huyện đặt mục tiêu rà soát, cập nhật, bổ sung cơ sở pháp lý khi có sự thay đổi, đánh giá đúng thực trạng của huyện để xác định cấp độ đô thị phải đạt.

Đảm bảo các tiêu chí để phấn đấu đến năm 2025, Bình Chánh được công nhận lên thành phố trực thuộc TP. HCM. Cùng với đó, hoàn thiện việc xây dựng đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận hoặc thành thành phố trực thuộc TP. HCM giai đoạn 2021-2030.

Ngày 14/12/2023, UBND huyện Bình Chánh đã có tờ trình thông qua Đề án đầu tư – xây dựng huyện Bình Chánh thành quận (thành phố trực thuộc TP. HCM), giai đoạn 2021–2030.

Theo đó, đến năm 2030, Bình Chánh trở thành "đô thị phức hợp", hướng đến việc hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng TP. HCM, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khoẻ, trọng tâm phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, trong đó phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch làm nền tảng.

Hồi cuối tháng 11/2023, Liên danh tư vấn cho quy hoạch chung TP. HCM đã đề xuất phát triển mô hình đa trung tâm tại TP. HCM với 5 vùng đô thị (gồm 1 vùng trung tâm và 4 thành phố). Theo đó, huyện Bình Chánh dự kiến sẽ trở thành một phần của TP phía Tây. Thành phố này với 2-3 triệu người là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo...

Trước đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đề xuất huyện Bình Chánh nên là thành phố trực thuộc TP. HCM vì địa phương không có khả năng chuyển đổi thành quận trước năm 2030. Do huyện còn một số xã thuần nông, không thể đáp ứng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường. Vì vậy, huyện Bình Chánh chọn mô hình chuyển đổi từ huyện lên TP trực thuộc TP.

>> Một huyện sắp lên thị xã vào tháng tới: Nơi tọa lạc của các 'ông lớn' Foxconn, Luxshare...

Huyện rộng nhất Việt Nam: Có 60km đường biên giới giáp Lào, thu ngân sách nghìn tỷ

Lộ diện 15 địa phương được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương

Một tỉnh nằm ngay giữa miền Trung được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/huyen-dong-dan-nhat-viet-nam-sap-tro-thanh-thanh-pho-trong-thanh-pho-221302.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Huyện đông dân nhất Việt Nam sắp trở thành 'thành phố trong thành phố'
POWERED BY ONECMS & INTECH