KBSV: Số lượng học sinh FPT dự kiến lên 222.000 người do nhu cầu học trường tư ngày càng lớn
Số lượng học sinh tại FPT dự kiến sẽ đạt 222.000 người vào năm 2025, mang lại nguồn doanh thu 10.609 tỷ đồng cho Tập đoàn.
Vào cuối năm 2023, hệ thống giáo dục của FPT hiện diện tại 20 tỉnh thành trên toàn quốc, thu hút 145.000 học sinh từ bậc phổ thông đến dạy nghề và đại học.
Trong nửa đầu năm 2024, mảng giáo dục mang lại cho Tập đoàn FPT doanh thu 4.435 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đã đưa vào vận hành tổ hợp giáo dục tại Thanh Hóa sau gần 6 tháng xây dựng, kịp thời đón khoảng 500 học sinh khối lớp 1, 2, 6, 7, và 10 cho năm học 2024 - 2025.
Quy mô mảng giáo dục của FPT thời điểm cuối năm 2023 |
Trong phân tích mới đây, Chứng khoán KB (KBSV) nhận định giáo dục là mảnh ghép chiến lược quan trọng cho sự phát triển của FPT. Không chỉ đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn nhờ nhu cầu ngày càng tăng từ sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục tư nhân, mà mảng này còn tạo ra lực lượng lao động công nghệ thông tin chất lượng cao, đóng vai trò động lực tăng trưởng cho FPT trong giai đoạn tới.
KBSV dự báo doanh thu mảng giáo dục của FPT sẽ đạt 8.033 tỷ đồng vào năm 2024 và 10.609 tỷ đồng vào năm 2025, lần lượt tăng 31,25% và 29,15% so với cùng kỳ. Dự kiến số lượng học sinh năm 2024 sẽ đạt 181.000 người và năm 2025 là 222.000 người, tăng 25% và 23% so với cùng kỳ.
Nguồn: Chứng khoán KB |
Gần đây, FPT đã đề xuất tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu khu đất có diện tích từ 1 – 3ha, với giao thông thuận tiện và đã được quy hoạch cho giáo dục, để xây dựng Trường Phổ thông Liên cấp Chất lượng cao. Trường dự kiến bao gồm cả ba cấp học và áp dụng chương trình đào tạo eco-system – hệ thống giáo dục xuyên suốt từ Tiểu học đến Trung học Phổ thông và dạy nghề, duy nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh việc tìm kiếm mở rộng các cơ sở mới, FPT cũng bổ sung các chương trình giảng dạy mới nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ chất lượng cao, bắt kịp với các xu hướng công nghệ.
Trong quý II/2024, Trường Đại học FPT đã hợp tác với FPT Automotive để mở chuyên ngành Công nghệ ô tô số, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Sinh viên sẽ được đào tạo toàn diện, từ nguyên tắc thiết kế và vận hành ô tô cơ bản đến kiến thức chuyên sâu về hệ thống điện tử - phần mềm.
Về chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, FPT cũng thông báo sẽ mở 1.000 chỉ tiêu trong năm 2024, với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành này có thể đảm nhận các công việc như thiết kế, mô phỏng, kiểm chứng mạch điện; xây dựng tài liệu đặc tả (spec); tư vấn phát triển quy trình thiết kế; quản lý và giám sát quy trình sản xuất đĩa bán dẫn và chip; kiểm thử chip, quản lý chất lượng vật liệu; nghiên cứu và phát triển vật liệu, cấu trúc linh kiện; phát triển bo mạch và phần mềm lõi hỗ trợ phát triển ứng dụng sử dụng chip. Tập đoàn đang đặt mục tiêu xây dựng nguồn lực ban đầu là 10.000 người, sau có thể tăng lên 20.000 - 30.000 người mỗi năm để phục vụ lĩnh vực này.
>> Một tỉnh được FPT xin đất để xây hệ thống giáo dục 'độc nhất vô nhị' tại Việt Nam
Một công ty chứng khoán sắp 'thay tên đổi họ', lên kế hoạch tăng vốn gấp 22 lần
Bị Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh, Tổng Giám đốc Bamboo Airways nói gì?