Khai quật một hang động, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện hài cốt cô gái khác loài 850.000 tuổi
Phát hiện này không chỉ cung cấp thêm bằng chứng về sự tồn tại của các loài người cổ xưa, mà còn mở ra những góc nhìn mới về quá trình tiến hóa của loài người.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Ancient Origins, Homo antecessor là một chủng người có niên đại từ 800.000 đến 1,2 triệu năm trước và được coi là một trong những loài người cổ xưa nhất từng hiện diện ở châu Âu.
Tên gọi Homo antecessor xuất phát từ tiếng Latin, có nghĩa là "người tiên phong". Lần đầu tiên loài này được phát hiện tại hang động Gran Dolina trong di chỉ Atapuerca vào năm 1994. Đến năm 1997, các nhà khoa học chính thức xác định Homo antecessor là một loài riêng biệt.
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu từng tin rằng Homo antecessor có thể là tổ tiên chung cuối cùng của Homo sapiens (người tinh khôn hay người hiện đại, tức chúng ta) và một loài anh em khác là Neanderthals.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng giả thuyết này không chính xác. Hiện tại, lý thuyết được đồng thuận nhiều nhất là Homo antecessor thuộc về một nhánh của dòng tiến hóa chung với chúng ta, tách ra ngay trước khi người Neanderthals tách ra.
Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu từ Viện Cổ sinh thái học Con người và Tiến hóa Xã hội Catalan (IPHES) đã phát hiện hài cốt của một sinh vật thuộc tông Người chưa xác định trong đơn vị TD6 của hang Gran Dolina.
Các cuộc khai quật sau đó đã đem về nhiều mảnh hộp sọ, hai mảnh từ xương hàm dưới, một số đốt sống, một xương từ cổ tay và một chiếc răng cửa duy nhất. Tất cả các hóa thạch này đều được xác định là thuộc về một người phụ nữ Homo antecessor, khoảng 25 tuổi khi qua đời và đã sống cách đây khoảng 850.000 năm.
Trước đó, tại khu vực này, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy hàng loạt công cụ thuộc về loài Homo antecessor, có công nghệ tương đồng với nhiều bộ công cụ khác có niên đại khoảng 1 triệu năm, được khai quật trên khắp Tây Âu. Điều này cho thấy Homo antecessor có thể đã từng là một loài đông đúc ở châu Âu thời tiền sử, trước khi bị tuyệt chủng vì những lý do chưa rõ.
Thế giới đã từng có ít nhất 8-9 loài người cùng tồn tại vào thời điểm người tinh khôn ra đời, tức là cách đây khoảng hơn 300.000 năm. Tuy nhiên, theo thời gian, tất cả các loài người khác đều đã tuyệt chủng, chỉ còn lại chúng ta tiếp tục phát triển và thống trị thế giới ngày nay.
Phát hiện mới về Homo antecessor không chỉ cung cấp thêm bằng chứng về sự tồn tại của các loài người cổ xưa, mà còn mở ra những góc nhìn mới về quá trình tiến hóa phức tạp của loài người.
>> Phát hiện bằng chứng người Ai Cập đã biết phẫu thuật trị ung thư từ hơn 4.000 năm trước
Phát hiện khu định cư có niên đại hơn 7.000 năm, hàng loạt cổ vật được khai quật
Khai quật phế tích 4.000m2, Việt Nam phát lộ công trình quân sự kỳ vĩ thời Tây Sơn