Thị trường

Không phải gạo hay cà phê, một hạt quen thuộc của Việt Nam chiếm 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu, Mỹ tích cực gom vì khan hiếm

Mai Chi 15/12/2024 - 00:30

Giá của loại nông sản này đã tăng gần gấp đôi trong năm 2024.

Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là "ông trùm" xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu, khi nguồn cung toàn cầu năm 2024 dự kiến thiếu hụt tới 64.000 tấn, đẩy giá tiêu trong nước lên mức kỷ lục.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, giá hồ tiêu trong nước đã tăng gấp 1,75 lần so với đầu năm, đạt mức cao nhất 158.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm. Báo cáo từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, diện tích trồng tiêu năm 2024 giảm còn 111.313ha (giảm 3,2% so với năm trước), sản lượng đạt 170.000 tấn (giảm 10,5%).

Dù diện tích và sản lượng suy giảm, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu suốt hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Hạt tiêu Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, Đức và Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 15.000 tấn hồ tiêu với trị giá hơn 106 triệu USD. Tính lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt hơn 234.000 tấn, thu về 1,2 tỷ USD. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng giá trị lại tăng mạnh 46,2%.

Không phải gạo hay cà phê, một hạt quen thuộc của Việt Nam chiếm 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu, Mỹ tích cực gom vì khan hiếm
Mỹ là nước nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam

>> Loại trái cây từng dành cho giới nhà giàu, nay tràn ngập chợ Việt với mức giá 'không tưởng'

Mỹ dẫn đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, với hơn 69.000 tấn, trị giá 377 triệu USD, tăng 43% về lượng và 92% về giá trị. Giá tiêu trung bình tại thị trường Mỹ đạt 5.415 USD/tấn, tăng 34%. Đức là thị trường lớn thứ hai với hơn 15.000 tấn, trị giá 85 triệu USD, tăng mạnh 76% về lượng và 138% về giá trị. Đáng chú ý, giá tiêu tại Đức đạt mức cao nhất trong các thị trường chính, với 5.648 USD/tấn. UAE xếp thứ ba với gần 14.000 tấn, trị giá 75 triệu USD, giá trung bình đạt 5.395 USD/tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ.

Năm 2024 được xem là một năm thắng lợi lớn của người trồng tiêu khi giá tiêu tăng mạnh, mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu cũng đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, sâu bệnh, cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chi phí sản xuất tăng cao.

Hiện Đắk Nông là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng tiêu, nhưng sản lượng xếp sau Đắk Lắk. Giá hồ tiêu thế giới cũng đang trong chu kỳ tăng mạnh, tạo động lực cho nông dân đầu tư lớn vào cây tiêu, bất chấp rủi ro và khó khăn.

Sự khan hiếm nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ gia tăng trên toàn cầu đang củng cố vị thế của Việt Nam trong ngành hồ tiêu, đồng thời tạo cơ hội cho người trồng tiêu tối ưu hóa lợi ích kinh tế từ loại nông sản chiến lược này.

>> Được Trung Quốc xem như 'mỹ vị của đế vương' gom gần 800.000 tấn, loại trái cây này đang thay đổi cuộc chơi nông nghiệp Việt Nam

Loại trái cây từng dành cho giới nhà giàu, nay tràn ngập chợ Việt với mức giá 'không tưởng'

Giá trị xuất khẩu 'báu vật' của Việt Nam tăng hơn 17%, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khong-phai-gao-hay-ca-phe-mot-hat-quen-thuoc-cua-viet-nam-chiem-60-thi-phan-xuat-khau-toan-cau-my-tich-cuc-gom-vi-khan-hiem-265905.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Không phải gạo hay cà phê, một hạt quen thuộc của Việt Nam chiếm 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu, Mỹ tích cực gom vì khan hiếm
    POWERED BY ONECMS & INTECH