Kịch bản Mỹ - Trung lặp lại, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt có đội tàu container Top 100 thế giới tăng hơn 86%
"Khoảng trống thuế quan" 90 ngày đang khiến thị trường vận tải biển bùng nổ, giá cước leo thang chóng mặt, nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận chi mạnh để hàng hóa kịp về Mỹ.
Giá cước tăng gấp đôi trong chưa đầy một tháng – doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chi trả để hàng hóa kịp về
Theo The Post, hiện các doanh nghiệp Mỹ đang gấp rút nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trước khi thời hạn 90 ngày tạm ngưng áp thuế cao kết thúc. Nắm bắt tâm lý cấp bách này, các hãng tàu ngay lập tức tăng phụ phí vận chuyển, khiến giá cước tăng vọt, kéo theo giá bán lẻ tại các cửa hàng tăng cao.
Nhiều hãng vận tải lớn, trong đó có Hapag-Lloyd, đã thông báo tăng giá cước vận chuyển cho mỗi container 40 feet từ Trung Quốc đến các cảng Bờ Tây nước Mỹ, từ 3.500 USD lên 6.500 USD kể từ ngày 1/6. Đối với các cảng ở Bờ Đông, mức cước mới sẽ tăng lên 7.500 USD, so với mức 4.500 USD hiện tại.
![]() |
Hapag-Lloyd - một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới đã tăng giá cước gấp đôi sau khi Mỹ - Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm thời (Ảnh minh họa) |
Phân tích dữ liệu cước vận tải biển tuyến Trung Quốc – Bờ Tây Mỹ từ ngày 14/5 đến nay cho thấy mức cước trung bình đã tăng khoảng 8%, từ 2.600 USD lên 2.805 USD/container 40 feet.
Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể còn cao hơn. Theo nền tảng Xeneta, nhóm khách hàng trả giá cao nhất (thuộc top 25%) đã tăng cước đến 18%, lên 3.100 USD/container trong cùng thời gian. Đây là những doanh nghiệp phản ứng nhanh nhất với chính sách giảm thuế, chấp nhận mức giá cao để đẩy nhanh tiến độ nhập hàng.
Không ngạc nhiên khi nhiều chủ hàng sẵn sàng chi thêm để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển về Mỹ trong “khoảng trống thuế quan” 90 ngày. “Họ đang tận dụng lượng hàng tồn đọng bị kẹt tại các cảng và nhà máy ở Trung Quốc”, ông Lou Lentine, CEO hãng thiết bị thể thao Echelon, chia sẻ với The Post.
Lentine cho biết công ty vận tải của ông đã báo trước rằng chi phí để vận chuyển máy chạy bộ và các thiết bị khác từ Trung Quốc có thể lên tới 6.000 USD/container – tức gấp đôi so với trước đây.
Theo ông Bobby Shoule, đại diện công ty logistics JW Hampton Jr. & Co., các doanh nghiệp lớn như Home Depot có thể thương lượng để giảm giá phần nào. Tuy nhiên, các công ty nhỏ gần như không có lợi thế đàm phán.
“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả mức giá này. Không có bất kỳ quy định hay cơ chế kiểm soát nào giới hạn mức giá mà các hãng vận tải được phép thu”, ông Foreman chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Xeneta, ngay sau tuyên bố giảm thuế, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến giải pháp vận tải hàng không – dù chi phí cao hơn hẳn so với vận tải biển – nhằm tránh chịu mức thuế cao nếu giao hàng chậm trễ. Tâm lý này cho thấy rằng khi cước vận tải biển tăng, các doanh nghiệp vẫn có thể chấp nhận mức giá cao hơn, miễn sao hàng hóa được lưu thông thông suốt.
Kịch bản Mỹ - Trung lặp lại, cổ phiếu HAH liên tiếp phá đỉnh lịch sử
Trong báo cáo đánh giá chi tiết về CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) hồi tháng 11/2024, Chứng khoán SSI từng dự báo các chính sách thuế mới của Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể ảnh hưởng gián tiếp đến ngành logistics toàn cầu, tạo ra một làn sóng gia tăng nhu cầu nhập khẩu.
Các công ty có thể đẩy mạnh nhập khẩu những mặt hàng dễ bảo quản nhằm tận dụng khoảng thời gian trước khi các chính sách thuế mới có hiệu lực. Điều này từng được thể hiện rõ qua sự gia tăng giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong giai đoạn 2017–2019.
![]() |
SSI dự báo ngành vận tải biển có thể hưởng lợi từ chính sách thuế mới dưới thời ông Donald Trump |
SSI cho rằng nếu chu kỳ này lặp lại, ngành vận tải biển có thể hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh trong năm 2025 trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh vào năm 2026, do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách thuế.
Trong bối cảnh đó, HAH có thể ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng nhờ các hợp đồng thuê tàu ở mức giá cao và mở rộng công suất đội tàu. SSI dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của HAH có thể đạt lần lượt 3.700 tỷ đồng và 554 tỷ đồng, tăng 43% và 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận năm 2025 được ước tính tăng thêm 17%, lên mức 650 tỷ đồng trong kịch bản cơ bản, nhưng có thể giảm 13% vào năm 2026 do tác động của xu hướng giảm giá cước vận tải.
![]() |
Cổ phiếu HAH tăng hơn 86% kể từ Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam |
Đồng thuận với diễn biến giá cước gần đây, trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 27/5, cổ phiếu HAH đã tăng kịch trần lên 84.400 đồng/cp – mức đỉnh lịch sử. Đáng chú ý, vốn hóa của doanh nghiệp này đã tăng khoảng 35% kể từ đầu tháng 5 và hơn 86% kể từ thời điểm Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam.
Theo số liệu mới cập nhật của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, cả nước hiện có 10 công ty vận tải container, sở hữu tổng cộng 48 tàu với tổng sức chứa 39.519 TEU. Trong đó, riêng CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đang sở hữu đội tàu lớn nhất, gồm 16 chiếc với tổng sức chứa lên tới 26.500 TEU – chiếm khoảng 67% tổng sức chở của đội tàu container nội địa.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ hãng dịch vụ vận tải biển Alphaliner (Pháp), Xếp dỡ Hải An hiện nằm trong Top 100 đội tàu container lớn nhất thế giới.
>> Doanh nghiệp mua 350 vỏ container từ Hòa Phát: Cổ phiếu lập đỉnh, giá tăng gần 600%
Tranh thủ 90 ngày đàm phán thuế Mỹ, dệt may Việt Nam chạy hết công suất
Sức ép thuế quan Mỹ: Apple, Foxconn bám trụ tại Việt Nam - Samsung, LG và Intel tính đường rút