Kiểm toán lưu ý loạt vấn đề tại công ty Nhà nước có quan hệ mật thiết với Toyota, Honda và Ford
VEAM lãi ròng 2.866 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nhờ hưởng lợi từ số cổ phần đang nắm giữ tại Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam và 16.447 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng.
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - UPCoM: VEA) công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 đã kiểm toán, với doanh thu thuần đạt 1.923 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.258 tỷ đồng. Lợi nhuận này không đến nhiều từ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu từ tiền lãi gửi ngân hàng (433 tỷ đồng) và lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết (2.866 tỷ đồng).
VEAM hiện nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, và 25% cổ phần Ford Việt Nam. Đây là những liên doanh "đẻ trứng vàng" cho doanh nghiệp, với gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ nhóm này.
Tại thời điểm ngày 30/6, VEAM đang nằm trên "núi tiền" với 370 tỷ đồng tiền mặt và 16.447 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng. Chỉ riêng hai khoản này đã chiếm 56% tổng tài sản công ty.
Hàng tồn kho có giá gốc là 1.770 tỷ đồng nhưng đang phải trích lập giảm giá 524 tỷ đồng. Trong đó, lượng tồn kho không nhỏ là hàng nghìn chiếc xe sản xuất từ năm 2017 trở về trước đang ế ẩm. VEAM đã nhiều lần rao bán đấu giá với giá "cắt lỗ" nhưng chưa thành công.
Hàng nghìn chiếc xe ô tô của VEAM nằm tại nhà máy ở Thanh Hóa chờ được "giải cứu" |
Nhiều điều cần làm rõ trong hoạt động kinh doanh
Kiểm toán đã nêu ra nhiều vấn đề trong báo cáo tài chính của VEAM. Cụ thể, kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá: (1) khoản phải thu 46 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán; (2) hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển tại Văn phòng Tổng Công ty, trị giá 72 tỷ đồng; (3) dự án Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và Chi nhánh Bắc Kạn của Matexim, đang để treo khoản chi phí chờ xử lý 466 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao, và tiền thuê đất.
Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh rằng dự án "Đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung" đang tồn đọng, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang có thể phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong tương lai.
Dự án "Di chuyển và xây mới nhà máy sản xuất máy kéo nhỏ" được HĐQT phê duyệt ngày 31/7/2014, với thời gian thực hiện từ quý IV/2016 đến quý I/2023, chưa hoàn tất các thủ tục gia hạn.
Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo (công ty con 100% vốn của VEAM) chưa ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Thái Bình Dương, trị giá 40 tỷ đồng, do không có đủ hồ sơ tài liệu từ các đối tác liên quan.
Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM - công ty con 100% vốn của VEAM) hiện đang tạm ghi nhận tiền thuê đất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, mà chưa phản ánh các thông báo nộp tiền thuê đất của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. SVEAM đã gửi công văn đến cơ quan có thẩm quyền để kiến nghị tiếp tục áp dụng đơn giá thuê đất ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, kết quả kiến nghị vẫn chưa được phản hồi.
Trong 6 năm, có 3 đời Tổng Giám đốc của VEAM bị khởi tố hình sự (Hình ảnh cựu Tổng Giám đốc Phan Phạm Hà) |
Bộ Công Thương nắm giữ đến 88,47% cổ phần của VEAM. Doanh nghiệp này đã có ba đời Tổng Giám đốc bị khởi tố hình sự. Mới nhất, vào tháng 6/2024, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM, với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
Trước đó, ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm nguyên Tổng Giám đốc, và ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc, cùng các lãnh đạo và cựu lãnh đạo khác, đã bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại VEAM thời điểm năm 2019.
Một cổ phiếu sàn HNX bật tăng 37% trước thềm trả cổ tức bằng tiền kỷ lục
Lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai (QCG) thu nhập 2,5 - 11 triệu đồng/tháng