Tại quần đảo đặc biệt này, cuộc sống người dân rất khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và có tới 4 tháng trong năm nơi đây chìm trong bóng tối.
Nằm trong khoảng vĩ độ từ 74 ⁰ đến 82 ⁰ bắc, Svalbard được xem là định nghĩa của "vùng sâu, vùng xa". Cụm đảo Svalbard cách khoảng hơn 2.000km so với thủ đô Oslo, Na Uy, nhưng chỉ cách Cực Bắc 965km. Quần đảo rộng này tới 61.022km2 nhưng chỉ có khoảng 2900 cư dân sinh sống, hoạt động kinh tế chủ yếu là nghiên cứu khoa học và du lịch.
Đảo xa xôi này, thuộc quốc gia Na Uy, nổi tiếng với sự sinh sống của lượng gấu Bắc Cực, thậm chí số gấu này còn nhiều hơn cả số lượng cư dân trên đảo. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, con người trên Svalbard thường xuyên phải "chung sống" với động vật hoang dã, điều này đã dẫn đến nhiều quy định đặc biệt và kỳ lạ trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Cuộc sống tại Svalbard khá độc đáo so với phần còn lại của thế giới. Do vị trí địa lý đặc biệt, Svalbard trải qua 4 tháng chìm trong bóng tối, với nhiệt độ dao động từ -13 độ C vào mùa đông đến hơn 5 độ C vào mùa hè. Từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 1 hàng năm, mặt trời hoàn toàn không xuất hiện.
Vì số lượng gấu Bắc Cực quá nhiều, nơi đây đã có đạo luật rằng mọi người khi rời khỏi nhà cần phải trang bị phương tiện như súng, pháo sáng để đối phó với loài động vật này. Du khách có thể dễ dàng thấy cảnh tượng các bà mẹ vừa đẩy xe nôi vừa đeo súng trường trên lưng.
Theo Forbes, việc du khách bắt gặp gấu và các loài động vật hoang dã quý hiếm tại Svalbard ngày một tăng, đặc biệt là vào mùa đông. Hiện tại, nhiều khu vực ở đây đã được tích hợp vào các chương trình bảo tồn hoặc được xác định là vườn quốc gia. Có đến 2/3 diện tích của các đảo tại Svalbard nằm trong danh sách cần được bảo vệ.
Đây là địa điểm duy nhất ở Na Uy mà du khách có thể đến mà không cần visa nhưng chắc chắn đây là một nơi không dễ sinh sống. Mặc dù không có đầy đủ tiện nghi, Svalbard vẫn thu hút một lượng lớn du khách mỗi năm, đặc biệt là những người yêu thích mạo hiểm.
Bên cạnh đó, Svalbard còn có ngân hàng hạt giống thế giới. Được xây dựng từ năm 2008 với mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học của cây trồng, kho hạt giống này chỉ mở cửa vài lần trong năm để hạn chế sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Được biết đến với cái tên "Hầm chứa Ngày tận thế", nơi này giữ hơn 1,1 triệu mẫu hạt giống từ gần 6.000 loài thực vật được gửi từ 89 ngân hàng hạt giống trên toàn cầu. Ngay cả khi nguồn điện bị hỏng, kho sẽ được đông lạnh và niêm phong trong ít nhất 200 năm.
Ngoài ra, vì không đảm bảo chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân nặng hoặc phụ nữ mang thai, chính quyền địa phương ở Svalbard khuyến khích phụ nữ mang thai về đất liền để sinh nở. Từ năm 1992, Svalbard còn áp đặt lệnh cấm mang mèo lên đảo cho cả cư dân và du khách nhằm bảo vệ môi trường sống hoang dã.
>> Khám phá mỏ muối 7.000 tuổi lâu đời nhất thế giới, là Di sản thế giới được UNESCO công nhận