Lãi suất tiết kiệm tiếp tục xuống sâu kỷ lục
Năm 2023, không ít ngân hàng đưa lãi suất tiết kiệm xuống "đáy" sâu dưới 2%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục giảm khoảng 0,2% trong quý IV/2023 cho các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng, lãi suất bình quân đã giảm 2,2%. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV) dẫn đầu về giảm lãi suất huy động. Cụ thể, ngày 28/12, Ngân hàng Agribank giảm lãi suất lần thứ 3 kể từ đầu tháng 12/2023.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,2% chỉ còn 2%/năm. Agribank giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại. Trước đó ngày 22/12, Agribank giảm 0,5% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng, đồng thời giảm mạnh 0,8% kỳ hạn 3-5 tháng và giảm 0,6% kỳ hạn 6-9 tháng.
Tương tự, VietinBank cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1-9 tháng. Kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,4% xuống 2,2%/năm. Kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng giảm mạnh 0,5% xuống 2,5%/năm. Nhà băng này cũng mạnh tay điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn từ 6-9 tháng xuống chỉ còn 3,5%/năm. Kỳ hạn từ 12 đến 18 tháng giữ nguyên 5%/năm, 24-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.
>> Dự đoán 2024: Lãi suất diễn biến ra sao sau khi phá đáy lịch sử?
Hiện lãi suất huy động thấp nhất vẫn thuộc về Vietcombank với 1,9%/năm, kỳ hạn 1-2 tháng. Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ 4,8%/năm đối với kỳ hạn 12-24 tháng. Lãi suất huy động cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là là 5,3%, được cả ba ngân hàng còn lại áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 24-36 tháng.
Nhiều ngân hàng đưa lãi suất tiết kiệm xuống "đáy" sâu |
Không chỉ có khối ngân hàng có vốn nhà nước mà các ngân hàng tư nhân cũng cắt giảm lãi suất huy động trong thời gian qua, kể cả ngân hàng yếu kém đang kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, SCB vừa tiếp tục giảm lãi suất huy động về gần bằng với Vietcombank. Theo đó, SCB giảm 0,3% kỳ hạn từ 1-11 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 1,95%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,25%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng còn 3,25%/năm. SCB giữ nguyên mức lãi suất 4,85%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12-36 tháng.
MSB giảm lên đến 1,3% khiến cho một số kỳ hạn dài từ 6,2%/năm, chỉ còn 4,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3% xuống còn 3,5%/năm. Kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,5% và kỳ hạn 9-11 tháng giảm mạnh 1,2% về mức 4,2%/năm. Kỳ hạn từ 12-13 tháng giảm 0,6% xuống còn 4,9%/năm.
Mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về một số ngân hàng như: VietBank, HDBank... lãi suất 6,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng gửi online ở HDBank. Còn kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tiết kiệm tại quầy, VietBank hiện là đơn vị niêm yết lãi suất cao nhất với 5,7%/năm. Theo sau, loạt nhà băng cùng áp dụng mức lãi suất 5,5%/năm là BaoVietBank, HDBank, KienlongBank, NamABank, NCB, VietABank và BVBank.
SSI cho biết, từ cuối tháng 11 các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1-0,3%. Tính riêng ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, mức lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3%-4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho cả cá nhân và tổ chức kinh tế.
Tuy lãi tiền gửi xuống "đáy" sâu, song tiền nhàn rỗi tiếp tục chảy vào ngân hàng. Cụ thể, theo Tổng Cục thống kê, tính đến thời điểm 21/12/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85%. Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 9/2023 cũng cho thấy, lượng tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn đạt gần 12,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Thế nhưng, lãi suất tiết kiệm được dự báo khó giảm thêm trong 2024, PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn thị trường Tài chính Đại học kinh tế TP.HCM cho rằng, lãi suất tiền gửi không còn nhiều dư địa để giảm thêm. Vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang hẹp lại. Hiện lãi suất điều hành ở Mỹ khoảng 5%, còn Việt Nam khoảng 5-6%/năm.
>> Điểm tin ngân hàng tuần qua: Giá vàng giảm 'sốc' sau chuỗi ngày tăng kỷ lục