Chỉ số lạm phát chuẩn của Nhật Bản đã vượt ước tính trong tháng 1, củng cố kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục tiến tới chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 27/2, giá tiêu dùng (CPI) không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 2% so với một năm trước, vượt mức ước tính là 1,9% và phù hợp với mục tiêu lạm phát của BOJ. Đồng yên tăng chưa đến 0,1% sau dữ liệu này.
Dữ liệu lạm phát mạnh hơn dự kiến sẽ củng cố suy đoán của thị trường rằng BOJ sắp tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, một động thái mà phần lớn các chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra vào tháng 4.
Ông Koya Miyamae, chuyên gia kinh tế cấp cao tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “BOJ đang tiến gần hơn tới mục tiêu giá của mình”.
Lạm phát cơ bản của Nhật Bản vẫn giữ ổn định khi BOJ cân nhắc các phương án cho chính sách. Nguồn: Bloomberg |
Được biết các gói du lịch nước ngoài là một trong những yếu tố chính thúc đẩy chỉ số CPI tăng trong tháng đầu năm 2024. Mức giá đã tăng đột ngột lên 63% sau 3 năm dậm chân tại chỗ.
Thống đốc Kazuo Ueda bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng giữ lạm phát ở mức trên 2%, tuần trước nói rằng ông mong đợi “một chu kỳ kinh tế thuận lợi trong đó lạm phát tăng dần cùng với đà tăng trưởng thu nhập và việc làm sẽ được củng cố”.
Chỉ số lạm phát dự kiến phục hồi vào tháng 2 khi tác động của các biện pháp giảm giá của Chính phủ trở nên mờ nhạt dần so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Miyamae, lãi suất cơ bản có thể sẽ tăng trên 2,5% trong tháng 2. Đây là tháng thứ 22 liên tiếp lạm phát đạt hoặc vượt mục tiêu 2% của BOJ.
Ngoài ra, chỉ số lạm phát không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, một chỉ số quan trọng cho xu hướng giá cơ bản, cũng tăng 3,5%, vượt ước tính của các nhà kinh tế trước đó là 3,3%.
Trong khi đó, tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ chậm lại ở mức 2,2%.
Hiroaki Muto, chuyên gia kinh tế tại công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo, bình luận: “Điều này giữ nguyên kỳ vọng của thị trường về việc điều chỉnh chính sách của BOJ có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 3”.
Tuy nhiên, những cơ sở kinh tế hiện tại đòi hỏi sự thảo luận cẩn thận và kỹ càng từ BOJ nếu họ quyết định bắt đầu tăng lãi suất.
Trước đó, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật vào cuối năm ngoái khi người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu. Tăng trưởng thu nhập tụt hậu so với lạm phát, gây áp lực lên ngân sách hộ gia đình.
Đồng yên giao dịch quanh mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ so với đồng USD cũng có thể khiến lạm phát tăng do nhập khẩu và làm tổn hại đến tiêu dùng trong tương lai.
Bloomberg nhận định đồng tiền yếu đã đẩy chứng khoán Nhật Bản lên mức cao kỷ lục nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không tạo đà tốt cho tâm lý người tiêu dùng nước này.
Người Nhật Bản tham gia thị trường không có xu hướng tích cực đầu tư vào cổ phiếu như ở các nền kinh tế phát triển khác. Ảnh: Bloomberg |
Bên cạnh đó, báo cáo hôm 27/2 cho thấy giá điện và khí đốt tụt xuống hơn 20% trong tháng 1 so với một năm trước đó. Các khoản trợ cấp của Chính phủ cho điện và khí đốt đã làm giảm 0,48 điểm phần trăm so với chỉ số lạm phát chung.
Giá thực phẩm chế biến, vốn là nguyên nhân chính gây lạm phát, tăng 5,9% nhưng chậm lại so với mức 6,2% trong tháng 12/2023.
Doanh nghiệp Nhật Bản đạt lợi nhuận kỷ lục, Nikkei 225 chuẩn bị lập đỉnh cao nhất mọi thời đại
Kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái, đồng yên lọt top giảm giá mạnh nhất thế giới