Theo các chuyên gia, lạm phát hạ nhiệt có thể tạo cơ hội cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này đã tăng 9,1% so với một năm trước, chậm hơn mức tăng 9,5% theo cuộc thăm dò của Reuters và mức tăng 10,3% vào tháng 12. Các số liệu cũng cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) cũng chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong tháng 1/2022, dù rằng nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Điều này chủ yếu do giá thực phẩm giảm 3,8% trong tháng 1/2022 vì đà lao dốc 41,6% của giá thịt heo và 4,1% của giá rau so với cùng kỳ.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với nhiều sóng gió, đè nặng bởi những bê bối trong lĩnh vực bất động sản và các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt. Tuy nhiên, lạm phát giá sản xuất ổn định từ mức cao nhất trong 26 năm vào tháng 10 đã tạo ra một bước đệm cho các doanh nghiệp hạ nguồn đang vật lộn với chi phí nguyên liệu thô cao và các cú sốc về nguồn cung.
Các nhà hoạch định chính sách của nước này cho biết, lạm phát vẫn đang là bài toán khó với Trung Quốc nhưng khả năng đối phó với những biến động giá cả bất thường của nước này đã được cải thiện.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã nhích 0,9% vào tháng 1/2021 so với một năm trước đó. Các nhà kinh tế của tờ Reuters cũng dự đoán, CPI sẽ tăng 1%, sau khi tăng 1,5% vào tháng 12. Tuy nhiên, họ tin rằng, lạm phát hạ nhiệt có thể tạo cơ hội cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.