Vĩ mô

Lắp mái che năng lượng mặt trời trên cao tốc: Ý tưởng hay, nhưng... nguy hiểm?

Hạnh Nguyên 21/08/2024 - 14:21

Đề xuất lắp mái che bằng tấm pin năng lượng mặt trời trên đường cao tốc toàn thế giới đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những quan điểm ủng hộ thì có không ít người tỏ ra băn khoăn, lo ngại về vấn đề này.

Ý tưởng hay, mong sớm thành hiện thực

Bài viết "Điều gì xảy ra khi cao tốc trên toàn cầu lắp mái che năng lượng mặt trời?" được VietNamNet đăng tải đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc với hàng trăm phản hồi sôi nổi.

Gửi ý kiến đến VietNamNet, nhiều độc giả như Nguyễn Đức Thành, Bui Xuan Cay, Thiện Phan,... nhận xét lắp mái che năng lượng mặt trời trên cao tốc là một ý tưởng hay. Đồng quan điểm, bạn đọc Văn Chẫm Đặng mong rằng điều này sẽ sớm biến thành hiện thực.

Độc giả Thien Phu Cao chỉ ra những lợi ích của việc lắp mái che năng lượng mặt trời trên cao tốc, như: giảm nhiệt độ mặt đường, giảm khí thải do ma sát giữa xe và mặt đường; tận dụng diện tích đó để trồng cây, cấy lúa; làm các nhà máy; cho người dân hai bên đường dùng miễn phí để tiết kiệm điện lưới cho sản xuất, hòa thêm vào điện lưới, điện đèn và điện phục vụ cao tốc miễn phí,... Đây là nguồn đầu tư rẻ, thuận tiện, dễ sửa chữa.

Ngoài ra, theo độc giả Nguyễn Quốc Việt, nếu lắp hệ thống mái che năng lượng mặt trời trên đường cao tốc sẽ giúp đường trở nên mát hơn, lái xe an toàn hơn.

nang luong mat troi.jpg
Đề xuất lắp mái che năng lượng mặt trời trên đường cao tốc. Ảnh: Earth’s Future

"Đường không những được che nắng che mưa mà còn cung cấp điện thắp sáng miễn phí, lại giảm tải cho lưới điện quốc gia. Giảm phát thải khí nhà kính. Giảm ô nhiễm môi trường. Dễ vận hành bảo dưỡng kiểm soát. Tích điện cho các trạm sạc. Đi trong đường mát, đỡ tốn nhiên liệu", bạn đọc liệt kê hàng loạt ưu điểm.

Độc giả Quang Nguyen cũng đồng tình và gợi ý, nếu có thêm phương án dùng điện thu được từ các tấm pin mặt trời này trực tiếp cho các xe điện chạy trên đường nữa thì tuyệt vời.

Ngoài ra, theo độc giả Thieu Hong Quan, cần có thêm thông tin về diện tích lắp mái che năng lượng mặt trời trên cao tốc so với chiều ngang của cao tốc; công tác duy tu, bảo dưỡng, thay thế, lắp đặt, cứu hộ tai nạn giao thông... và làm rõ hơn ưu/nhược so với không lắp pin như bài viết.

Việc tìm nguồn vốn đầu tư, bạn đọc tên Mạnh cho rằng: "Cứ cho doanh nghiệp làm là họ đầu tư ngay. Dọc cao tốc làm hệ thống này quá dễ".

Trong khi đó, độc giả Hang Vinh nêu ý kiến: "Lắp được mái che năng lượng mặt trời ở toàn bộ mái các cầu vượt và nơi chờ đèn đỏ đã tốt lắm rồi".

Nguy hiểm cho phương tiện lưu thông trên cao tốc

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, không ít người bày tỏ lo ngại về việc lắp mái che năng lượng mặt trời trên hệ thống đường cao tốc.

Độc giả Lê Minh Thư đánh giá: "Ý tưởng cũng hay nhưng giờ năng lượng mặt trời không tích trữ được chiếm tỷ trọng quá lớn, sẽ khó khả thi".

Bạn đọc Hieu Thuan Nguyen Chau phân tích: Ý tưởng thì có vẻ lý thú và hiệu quả, nhưng phải tính toán chi phí xây dựng và bảo trì, vệ sinh các tấm pin mặt trời định kỳ; chưa kể rủi ro tai nạn trên cao tốc, nếu kính rơi xuống khi dòng xe chạy tốc độ cao thì hậu quả sẽ khủng khiếp. Hãy cẩn trọng trong việc tính toán thiệt hơn với ý tưởng này.

Độc giả Hiếu Dương Hoài băn khoăn, việc lắp đặt có tính đến phương án sét đánh khi có giông bão không? "Sợ khi có giông gió lớn mái che không chịu được, bung ra sẽ gây nguy hiểm cho xe và người đang lưu thông", độc giả Trấn Thị lo ngại.

Theo bạn đọc Đức Nguyễn, không phải toàn bộ đường cao tốc có thể lắp được pin mặt trời, nhất là ở những vùng có gió bão, tuyết rơi. Chi phí cho việc lắp đặt này cũng rất cao.

Vì thế, dù thấy rằng ý tưởng lắp mái che năng lượng mặt trời trên cao tốc là ý tưởng hay, nhưng độc giả Linh Ngo đánh giá "không thuyết phục".

Bạn đọc này phân tích: Mấy triệu km nhưng không phải chia đều cho các nước, nước nhiều đường cao tốc chắc gì đã thiếu điện, nước thiếu điện chắc gì đã nhiều đường để làm. Chưa nói đến chi phí lắp đặt pin mặt trời. Muốn sử dụng nguồn điện này cần có đường dây truyền tải, cần pin tích điện. Lúc đó, sẽ phát sinh vấn đề một cung đường (bao nhiêu km) thì cần 1 trạm tích điện? Trong khi, năng lượng sẽ thất thoát trên đoạn đường dài.

Những vấn đề trên cộng với chi phí vận hành, chi phí bảo trì... sẽ khó khả thi.

Độc giả tên Đức cũng thắc mắc: Chi phí cho việc này là bao nhiêu? Chi phí bảo trì, thay pin, rồi pin hư bỏ đi đâu; nhất là khâu bảo trì, lau rửa bụi bám rất khó thực hiện. Nghe thì dễ, làm sẽ thấy là không thể, chưa kể rủi ro sụp tấm pin xuống gây thêm tai nạn cho bên dưới, chập điện ảnh hưởng lưới điện.

Ngoài ra, theo bạn đọc Hoàng Phương, nếu làm vậy thì không thể trồng cây xanh ở hai bên đường được, làm mất đi cảnh quan, sự gần gũi với thiên nhiên.

Do đó, có ý kiến cho rằng nên làm điện mặt trời ở các sa mạc, hoang mạc sẽ khả thi hơn là trên các cao tốc.

Khởi nghiệp xanh ở Bắc Ninh

'Trang trại trên biển' có diện tích tương đương 7 sân bóng rổ, cao ngang tòa nhà 5 tầng, vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lap-mai-che-nang-luong-mat-troi-tren-cao-toc-y-tuong-hay-nhung-nguy-hiem-2313975.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lắp mái che năng lượng mặt trời trên cao tốc: Ý tưởng hay, nhưng... nguy hiểm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH