Thế giới

Lộ điểm yếu trước Nga và Trung Quốc, Mỹ vạch ra 4 'mỏ neo' chiến lược để chạy đua ở khu vực nóng nhất thế giới

Vũ Bấc 15/06/2024 - 07:30

Mặc dù tình hình chính trị và kinh tế bất ổn, châu Phi sẽ là điểm nóng chiến lược mới của thế giới.

Tầm quan trọng và sự phức tạp của bối cảnh châu Phi

Châu Phi chiếm gần 60% diện tích đất trồng trọt và có dân số gần 1,5 tỷ người. Sở hữu hơn 30% trữ lượng khoáng sản trên địa cầu và vị trí chiến lược quan trọng, “Lục địa đen” đang trở thành khu vực trọng yếu trong phân tích an ninh toàn cầu.

Trong bối cảnh an ninh và kinh tế đang thay đổi nhanh chóng, Mỹ có vẻ đã chậm chạp trong việc duy trì vị thế và tầm ảnh hưởng tại đây. Mới đây, Lầu Năm Góc đã phải rút toàn bộ quân đội đồn trú tại Niger sau khi chính quyền quân sự của quốc gia Tây Phi này chấm dứt mối quan hệ hợp tác quân sự lâu dài với Mỹ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2023.

Lộ điểm yếu trước Nga và Trung Quốc, Mỹ vạch ra 4 'mỏ neo' chiến lược để chạy đua ở khu vực nóng nhất thế giới
Ảnh minh họa

Giữa tình hình đó, Nga và Trung Quốc đang tích cực củng cố tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự trên khắp lục địa này. Lực lượng bán quân sự và lính đánh thuê của Nga, sử dụng mô hình của Tập đoàn Wagner đang hoạt động ở Mali, Congo, Cộng hòa Trung Phi và các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo chuyên quyền tại nhiều nước châu Phi tiếp tục đẩy mạnh các dự án quốc gia thuộc sáng kiến ​​Vành đai và Con đường với Bắc Kinh, đặc biệt là các hợp đồng mua các thiết bị công nghệ AI. Điều này càng làm tăng thêm vị thế của Trung Quốc như một “cường quốc giám sát” tại lục địa có dân số lớn thứ 2 thế giới.

Theo Cục Tư lệnh Châu Phi, nơi chịu trách nhiệm về các hợp tác quân sự của Mỹ trên toàn khu vực châu Phi, quân đội hoặc doanh nghiệp của Trung Quốc đang hoạt động ở tất cả 54 quốc gia trên lục địa này. Tướng Mike Langley, người đứng đầu cơ quan này cho rằng Bắc Kinh muốn thiết lập các căn cứ hải quân trên Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Vịnh Aden. Nước này đã xây dựng căn cứ chính thức đầu tiên ở nước ngoài ở vùng Sừng châu Phi ở nước Djibouti.

Lộ điểm yếu trước Nga và Trung Quốc, Mỹ vạch ra 4 'mỏ neo' chiến lược để chạy đua ở khu vực nóng nhất thế giới
Khu vực chiến lược "Sừng châu Phi" - nối giữa Ấn Độ Dương và Biển Đỏ

Đặc điểm địa lý rộng lớn của Châu Phi là nền tảng cho sự phát triển của nhiều hệ thống ngôn ngữ, với các nền văn hóa và lịch sử phát triển lâu đời. Có một Ethiopia với nền độc lập dài lâu, tương phản với quá khứ đau thương của chế độ thuộc địa và phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Có một châu Phi nói tiếng Pháp rất khác so với các quốc gia có hệ thống ngôn ngữ chính thức là tiếng Bồ Đào Nha do quá khứ thuộc địa. Trên tất cả, giai đoạn lịch sử lâu dài thời kỳ tiền thuộc địa đã hình thành nên bề dày văn hóa và tính cách khác biệt của rất nhiều dân tộc và quốc gia ở châu lục này.

Bốn “mỏ neo” trong chính sách đối ngoại quân sự của Mỹ ở châu Phi

Trong bài xã luận về chiến lược quân sự, chuyên gia an ninh và cũng là cựu Đô đốc hải quân Mỹ James Stavridis cho rằng chính quyền nên mở rộng ưu đãi dành cho các quốc gia có tầm ảnh hưởng cả trong khu vực và trong một số trường hợp là trên toàn lục địa. Các ưu đãi này có thể bao gồm tài trợ cho cơ sở hạ tầng quan trọng thông qua Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Bên cạnh đó là đối tác thương mại quân sự với ưu đãi cho các hệ thống tiên tiến như máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư; tập trận chung giữa các quốc gia đồng minh, đặc biệt là triển khai các lực lượng đặc biệt chống khủng bố của Mỹ; và chia sẻ thông tin nhiều hơn.

Kenya, gần đây được chọn là Đồng minh lớn ngoài NATO, là điểm tựa tự nhiên ở miền Đông châu Phi. Người đứng đầu tổ chức là tướng William Ruto, vừa có chuyến thăm cấp nhà nước ở Washington - khẳng định sự sẵn sàng chiến đấu như một đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ trong khu vực.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất lục địa và có nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn cũng như bờ biển Đại Tây Dương, sẽ là chốt chặn ở Tây Phi. Washington có mối liên kết quân sự tốt với quân đội của Nigeria, đổi lại chính quyền Nigeria có thể sử dụng nhiều hỗ trợ quân sự hơn để chống lại nhóm khủng bố Boko Haram đang hoành hành tại quốc gia này.

Nam Phi cũng là một lựa chọn hiển nhiên, bất chấp hậu quả hỗn loạn của cuộc bầu cử mới diễn ra vào tháng 5/2024. Nam Phi là là một cường quốc có tiếng nói lớn không chỉ trong khu vực mà còn ở khu vực Nam bán cầu. Mặc dù tham gia khối BRICS, đây là quốc gia châu Phi duy nhất trong G20; có hơn 600 công ty Mỹ hoạt động ở đó, tạo ra doanh thu đóng góp gần 10% GDP của Nam Phi.

Cuối cùng là Ethiopia, với dân số lớn thứ hai lục địa, là đối tác chiến lược của Mỹ ở phía Bắc. Chính quyền Ethiopia đang phải đối mặt với dòng người tị nạn từ Sudan và mong muốn vay 7 tỷ USD viện từ IMF và Ngân hàng Thế giới. Hiện nay Mỹ đang là đối tác nhận được sự tín nhiệm hàng đầu nhờ nguồn viện trợ nhân đạo giúp tái thiết đất nước sau cuộc nội chiến xảy ra trong những năm 2018-2022.

Lộ điểm yếu trước Nga và Trung Quốc, Mỹ vạch ra 4 'mỏ neo' chiến lược để chạy đua ở khu vực nóng nhất thế giới
Lực lượng quân đội gìn giữ hòa bình của Mỹ tại Ethiophia

Mỹ cũng đang tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức khu vực có tiếng nói như Liên minh châu Phi, có trụ sở tại Addis Ababa, Ethiopia. Đồng thời, Washington nên phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh toàn cầu của mình, đặc biệt là Pháp - quốc gia vẫn giữ được mối liên hệ chặt chẽ với một số thuộc địa cũ ở châu Phi.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng chiến lược của Châu Phi: theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2050, cứ bốn người trên hành tinh thì có một người sống tại châu lục này. Các đối thủ cường quốc của Mỹ đã sớm nhận ra tiềm năng và thực hiện các chiến lược đồng bộ thông qua đầu tư và quân sự để có được vị trí vững chắc trong lòng các lãnh đạo châu Phi. Nếu không có chiến lược mạch lạc, Mỹ sẽ tiếp tục đánh mất tầm ảnh hưởng và lợi thế địa chính trị trên toàn thế giới.

>> Đồng tiền mất giá và lạm phát tăng vọt, 20.000 triệu phú chạy khỏi "lục địa đen"

Hàng trăm tấn vàng được vận chuyển trái phép từ châu Phi sang UAE

Cuộc đua Mỹ - Trung Quốc nóng lên ở châu Phi: Ai đang thắng thế?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-diem-yeu-truoc-nga-va-trung-quoc-my-vach-ra-4-mo-neo-chien-luoc-de-chay-dua-o-khu-vuc-nong-nhat-the-gioi-238608.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Lộ điểm yếu trước Nga và Trung Quốc, Mỹ vạch ra 4 'mỏ neo' chiến lược để chạy đua ở khu vực nóng nhất thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH