Lộ diện 3 siêu cường châu Á thống lĩnh công nghiệp hàng hải, láng giềng Việt Nam đứng số 1
3 "ông lớn" châu Á đang nắm giữ gần như toàn bộ thị trường đóng tàu thế giới khi xu hướng chuyển đổi công nghệ xanh và tự động hóa đang lên ngôi.
Theo số liệu mới công bố từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhau chiếm tới 95% tổng sản lượng đóng tàu toàn thế giới, một con số cho thấy sự thống trị mạnh mẽ của khu vực này trong ngành công nghiệp hàng hải.
Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế số một với thành tích ấn tượng: chiếm hơn 50% tổng dung tích toàn phần (GT) của tàu biển được sản xuất trong năm 2023, đạt 33 triệu GT. Để hình dung rõ hơn về con số này, nó tương đương với công suất của 150 tàu container lớn nhất thế giới, với mỗi tàu có sức chứa khoảng 20.250 TEU và dung tích toàn phần 220.000 GT.
Hàn Quốc giữ vững vị trí thứ hai với 18 triệu GT, trong khi Nhật Bản đứng thứ ba với 10 triệu GT. Tính chung, 3 quốc gia này chiếm tới 95% ngành đóng tàu toàn cầu.
Hành trình vươn lên vị trí dẫn đầu của Trung Quốc bắt nguồn từ bước ngoặt gia nhập WTO năm 2001, tạo đà cho sự phát triển bùng nổ của ngành đóng tàu và vận tải biển. Từ vị trí thứ ba vào năm 2007, quốc gia này đã vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2010, đánh dấu khởi đầu cho 14 năm thống trị liên tiếp thị trường toàn cầu.
Mặc dù có khoảng cách về số lượng, mỗi quốc gia đều có thế mạnh riêng biệt trong ngành. Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất tàu chở hàng rời, tàu container và tàu chở dầu. Đặc biệt, sau khủng hoảng tài chính 2008, nước này đã chuyển hướng sang phát triển "tàu giá trị cao" như tàu du lịch và tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong khi đó, các công ty sản xuất tàu Hàn Quốc nổi tiếng với chuyên môn trong lĩnh vực tàu công nghệ cao và phức tạp, đặc biệt là tàu chở LNG và giàn khoan ngoài khơi. Chiến lược này giúp Hàn Quốc duy trì vị thế cạnh tranh dù không dẫn đầu về số lượng.
Nhật Bản tập trung vào chất lượng và đổi mới, với thế mạnh về tàu thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Chiến lược này phản ánh cam kết lâu dài của Nhật Bản về phát triển bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi năng lượng xanh.
Ông Kjeld Friis Munkholm, CEO công ty tư vấn Munkholm & Zhang, nhận định: "Những tiến bộ trong công nghệ tàu năng lượng xanh và số hóa đang định hình lại ngành hàng hải, hướng tới hiệu quả và thân thiện môi trường hơn."
Ba cường quốc đang dẫn đầu xu hướng này với các dự án tiên phong như dự án Ecoship của Nhật Bản chuyên sản xuất tàu du lịch thế hệ mới với khả năng giảm 40% lượng khí thải CO2 nhờ công nghệ năng lượng tái tạo và hệ thống đẩy tiên tiến.
Nắm bắt xu hướng trên, Trung Quốc hiện đang phát triển dự án Green Dolphin - Tàu chở hàng rời thế hệ mới do COSCO và Viện nghiên cứu và thiết kế tàu buôn Thượng Hải phát triển, tập trung vào hiệu quả năng lượng và giảm phát thải.
Tập đoàn Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc cũng đã công bố dự án phát triển các tàu hybrid và tàu chạy bằng LNG, khẳng định vị thế trong phân khúc tàu công nghệ cao.
Với nhu cầu ngày càng tăng về tàu thân thiện môi trường, đặc biệt là tàu chạy bằng LNG và tàu hybrid, ba cường quốc châu Á này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì vị thế thống trị. Xu hướng này không chỉ phản ánh sự phát triển của ngành đóng tàu mà còn thể hiện cam kết toàn cầu về phát triển bền vững trong lĩnh vực hàng hải.
Theo Statista, UNCTAD
>>Động cơ nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong ngành đóng tàu?
Cuộc đua tìm kiếm năng lượng thay thế của ngành vận tải biển thế giới
Hai ‘ông lớn’ chuẩn bị sáp nhập, Trung Quốc sắp có ‘gã khổng lồ’ đóng tàu số 1 thế giới