Cuộc đua tìm kiếm năng lượng thay thế của ngành vận tải biển thế giới
Giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi nhiên liệu thay thế đang là ưu tiên hàng đầu của ngành vận tải biển thế giới.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho ngành vận tải biển toàn cầu: đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp đang vận chuyển hơn 80% khối lượng thương mại thế giới, vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch và chiếm khoảng 3% lượng khí CO2 do con người tạo ra.
Mặc dù một số công ty tiên phong đã bắt đầu đặt hàng tàu sử dụng nhiên liệu thay thế như methanol và áp dụng công nghệ tiên tiến như robot gió và làm sạch thân tàu để giảm khí thải, phần lớn đội tàu vẫn đang tiêu thụ lượng lớn dầu nhiên liệu.
Bên cạnh đó tình hình địa chính trị căng thẳngcũng làm trầm trọng thêm đáng kể hiện trạng, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi tại Biển Đỏ buộc nhiều tàu phải đi đường vòng, làm tăng đáng kể lượng khí thải. Các lệnh trừng phạt đối với Nga khiến một số tuyến vận chuyển phải thay đổi.
Năm nay, hạn hán tại kênh đào Panama ảnh hưởng đến các tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương. Theo báo cáo mới nhất của IMO, tổng lượng khí thải carbon từ ngành vận tải biển năm 2018 đã vượt 1 tỷ tấn. Tuy nhiên, việc đo lường chính xác lượng khí thải vẫn còn nhiều thách thức do có nhiều phương pháp tính toán khác nhau.
Cuộc đua tìm kiếm nhiên liệu thay thế
Ngành đang tích cực tìm kiếm các loại nhiên liệu thay thế có khả năng giảm khí thải, đủ năng lượng để vận hành các tàu khổng lồ và có giá cả cạnh tranh.
Đầu tiên là năng lượng thay thế từ methanol với các phiên bản sạch giảm đáng kể khí thải, thu hút đầu tư lớn từ các hãng vận tải như AP Moller-Maersk A/S. Loại này dễ lưu trữ và xử lý. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung methanol sạch (đã qua xử lý) còn hạn chế, đồng thời khả năng phát năng lượng thấp hơn nhiên liệu gốc dầu.
Bên cạnh đó, Amoniac cũng là loại năng lượng thay thế quan trọng để giúp nhân loại hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng nhược điểm sản xuất amoniac lại gây ô nhiễm khi phát thải nitơ oxit, độc hại cho con người và sinh vật biển, đồng thời tiêu tốn nhiều năng lượng.
Nhiên liệu sinh học nổi lên như một lựa chọn hứa hẹn cho cuộc tìm kiếm giải pháp nhiên liệu thay thế cho ngành hàng hải. Mặc dù có khả năng giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính và tương thích với động cơ hiện có, nguồn cung hạn chế của nó lại tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các ngành khác, đặc biệt là hàng không.
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có ưu điểm là nguồn cung dồi dào và khả năng giảm 20% lượng khí thải CO2 so với dầu, LNG đã được áp dụng thử nghiệm rộng rãi ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc vẫn là nhiên liệu hóa thạch và gây phát thải khí metan khiến nó chưa phải là giải pháp hoàn hảo.
Cuối cùng, năng lượng hạt nhân xuất hiện như một phương án đầy tiềm năng. Không phát thải và ít cần tiếp nhiên liệu, nhưng rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng rộng rãi năng lượng hạt nhân trong hàng hải chính là các quy định nghiêm ngặt và nhận thức chưa tích cực của công chúng.
Trước tình trạng này, tháng 7/2023, IMO đã đặt ra một loạt mục tiêu mới về giảm phát thải, được xem là bước tiến quan trọng dù chưa hoàn toàn phù hợp với Thỏa thuận Paris 2015.
IMO đang xây dựng quy định mới nhằm giảm cường độ khí nhà kính từ nhiên liệu tàu biển và áp dụng mức phí bắt buộc đối với khí thải từ năm 2027. Đồng thời, EU đã áp dụng Hệ thống giao dịch phát thải (ETS), buộc các hãng vận tải phải trả tiền cho lượng khí thải carbon.
Theo DNV, khoảng một nửa số tàu đặt hàng mới có khả năng sử dụng nhiên liệu thay thế. Các "ông lớn" như Maersk đã đặt hàng tàu sử dụng methanol. Amazon và IKEA đã đấu thầu dịch vụ vận chuyển gần như không phát thải. Một số hãng bắt đầu thử nghiệm công nghệ mới như cánh buồm WindWings và hệ thống thu giữ carbon.
Tuy nhiên, thách thức vẫn lớn khi hơn 90% đội tàu thế giới vẫn sử dụng nhiên liệu truyền thống. Trong thời gian tới, IMO sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cắt giảm khí thải. Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển của tổ chức này sẽ có cuộc họp quan trọng tại London vào cuối tháng 9.
Tại châu Âu, quy định về Hàng hải FuelEU, yêu cầu cắt giảm khí thải so với mức sử dụng năng lượng, sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Hệ thống ETS của EU cũng sẽ mở rộng phạm vi, bao gồm cả khí metan và nitơ oxit. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất dự luật nhằm giảm ô nhiễm từ vận chuyển biển.
Quá trình chuyển đổi xanh trong ngành vận tải biển đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngành này vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc áp dụng công nghệ mới và thay đổi cách vận hành.
Theo BNN, Financial Times