Loại cây thân gỗ ở Việt Nam cực khan hiếm trên thế giới, sản sinh 'kho báu' trữ lượng tới 1.200.000 tấn, giá ngày càng tăng cao
Với người Việt, đây là loài cây thân thuộc và được sử dụng phổ biến nhờ nhiều công dụng khác nhau.
Quế - một loại cây thân gỗ dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang dần trở thành "vàng xanh" cho Việt Nam. Loại cây này được trồng ở nước ta với diện tích trồng lên tới 180.000ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh Việt Nam, quế chỉ được trồng ở một số ít quốc gia như Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka hay một số nước khu vực Nam Mỹ.
Quế tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees; họ Long não (Lauraceae). Trong y học phương Đông, cây quế được xem là một trong những vị thuốc quý như sâm, nhung và phụ. Còn với những nghiên cứu y học hiện đại, cây quế chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe và có tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một thìa quế xay 2,6g có chứa các thành phần chính sau: 2,1g carbohydrate; 26,1mg canxi; 0,21mg sắt; 1,66mg photpho; 1,56mg magie; 11,2mg kali...
Ngoài ra, cây quế cũng có chứa vitamin B và K cùng các chất chống oxy hóa giúp làm giảm stress oxy hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư, đái tháo đường type 2 và các bệnh lý khác.
Lá quế có chứa hai loại tinh dầu dinh dưỡng tran-cinnamaldehyde và cinnamaldehyde (Cin) đem lại hương thơm đặc trưng cho gia vị. Tinh dầu quế được điều chế từ lá quế có hàm lượng Cin cao có tác dụng tốt cho cơ thể con người.
Vỏ quế chứa chất catechin (một hợp chất chống oxy hóa thường thấy trong lá trà xanh) và procyanidins (một hợp chất chống oxy hóa thường thấy trong quả mọng).
Ngoài công dụng trong y học, cây quế còn là gia vị không thể thiếu trong món phở của Việt Nam, cà ri của Ấn Độ và các món ăn từ Âu đến Á khác.
Đối với người Việt, quế là loại cây quen thuộc với nhiều giá trị với nhiều công dụng hữu ích trong đời sống và có giá trị kinh tế cao. Loại cây này phân bố khắp các vùng trên cả nước, nhưng bốn vùng trồng quế tập trung nhất là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa - Nghệ An và Quảng Nam - Quảng Ngãi. Mỗi vùng miền có cách gọi tên khác nhau như quế Yên Bái, quế Quỳ, quế Quảng hay Mạy quế (Tày)...
Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000-1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000-80.000 tấn/năm.
Năm 2022, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Ấn Độ; Hoa Kỳ, Bangladesh…
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế trên toàn cầu đang tăng nhanh, khoảng từ 8%-12% mỗi năm, khiến giá quế ngày càng tăng cao.
Năm 2024, theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 44.528 tấn quế, thu về 126,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 3,9%.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 33,5% đạt 15.040 tấn. Tiếp theo là Hoa Kỳ chiếm 11,5% đạt 5.160 tấn; Bangladesh chiếm 10,9% đạt 4.882 tấn.