Gần đây, nhà quản lý quỹ hiện đang cai quản hơn 40 tỷ USD bắt đầu lên tiếng nhiều hơn để kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản thay đổi.
Trong suốt gần 3 thập kỷ, công ty của Stephen Butt gần như chỉ “đứng sau cánh gà”. Tôn sùng trường phái đầu tư giá trị của Warren Buffett và chú trọng tầm nhìn dài hạn, ông chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng.
Nhưng người đàn ông này đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Công ty Silchester International Investors của ông lặng lẽ mua cổ phần của một số công ty blue-chip nổi tiếng trên thế giới, nhìn giá trị của chúng tăng lên theo thời gian và mang về mức lợi suất lên tới 1.900%. Trên chặng đường đó, Stephen Butt, người từng làm lãnh đạo cấp cao ở Morgan Stanley, cũng trở nên giàu có dù ít ai biết đến tên tuổi của Butt cũng như Silchester International Investors.
Stephen Butt (ảnh chụp năm 2015) |
Thay đổi văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản
Mãi cho tới gần đây, nhà quản lý quỹ hiện đang cai quản hơn 40 tỷ USD mới bắt đầu lên tiếng nhiều hơn để kêu gọi sự thay đổi.
Tại Nhật Bản, một trong những thị trường lớn nhất của Silchester, ông kêu gọi các công ty phân bổ nguồn vốn hiệu quả hơn và tăng chi trả cho cổ đông. Những yêu cầu của Silchester buộc những ngân hàng địa phương vốn khá bảo thủ phải chú ý. Mặc dù Silchester không công bố gần đây cách thức hoạt động đã thay đổi như thế nào, các chuyên gia phân tích đánh giá những động thái mới của quỹ này và những phản ứng của các công ty Nhật Bản là ví dụ điển hình cho thấy thị trường chứng khoán Nhật Bản đang có sự biến đổi rõ rệt.
Trải qua 1 thập kỷ cải cách các quy định về quản trị doanh nghiệp, giờ đây các CEO đã sẵn sàng lắng nghe cổ đông nhiều hơn. Và đó cũng chính là một trong những lý do lớn giúp chỉ số Nikkei chinh phục được đỉnh cao nhất kể từ năm 1989.
Jesper Koll, lãnh đạo của công ty môi giới Monex Group, nhận xét: “Giờ đây những lời kêu gọi mua lại cổ phiếu quỹ và tăng cổ tức đã được lắng nghe thấu đáo. Thông thường thì người Nhật khá bảo thủ, nhưng một khi họ đã chấp nhận sự thay đổi, mọi thứ sẽ diễn biến rất nhanh”.
Silchester đã đầu tư vào Nhật Bản kể từ năm 1995. Năm 2022, công ty gây chú ý khi liên tục đưa ra nhiều đề nghị tại một loạt công ty. Theo luật, các cổ đông nắm ít nhất 1% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của 1 mã trong ít nhất 6 tháng sẽ có quyền đề xuất các điều khoản để bầu chọn tại đại hội cổ đông thường niên. Và Silchester đã kêu gọi 4 ngân hàng khu vực chia cổ tức đặc biệt.
Một trong bốn ngân hàng đó là Kyoto Financial. Trong suốt 81 năm kể từ khi thành lập, ngân hàng này chưa từng nhận được đề nghị của cổ đông và đã từ chối. Tuy nhiên, Silchester (nắm giữ cổ phiếu Kyoto Financial từ năm 2006) buộc tội ban lãnh đạo của ngân hàng đang cố gắng giữ lại vốn cho riêng mình thay vì phục vụ lợi ích của cổ đông. Theo Butt, các ngân hàng khu vực nên dành trả lại một nửa lợi nhuận từ các hoạt động lõi cho cổ đông.
Các cổ đông đã bỏ phiếu phản đối đề nghị của Silchester. Tuy nhiên, đến năm ngoái Silchester lại tiếp tục “tấn công”, lần này có thêm sự ủng hộ của công ty xây dựng Obayashi Corp. Tháng trước, cổ phiếu của Obayashi đã tăng hơn 20% chỉ trong 1 ngày sau khi công ty nâng mức mục tiêu về chỉ số ROE cũng như nâng dự báo về cổ tức.
Cổ phiếu Kyoto Financial tăng trưởng vượt trội so với Topix Banks Index |
Cổ phiếu Kyoto Financial đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi Silchester lần đầu tiên đưa ra lời đề nghị. Đó là tín hiệu cho thấy dù không được bỏ phiếu thông qua nhưng lời kêu gọi của Silchester đã có tác dụng. Hiện Silchester là cổ đông lớn nhất của ngân hàng, sở hữu 6,6% cổ phần.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang tăng điểm rất mạnh và những cổ phiếu trong danh mục Silchester cũng không phải là ngoại lệ. Đồng yên giảm giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Lạm phát cuối cùng cũng cất cánh. Và những nhận định lạc quan của các nhà đầu tư nổi tiếng từ Larry Fink đến Warren Buffett càng thúc đẩy thị trường này tăng giá.
Tuy nhiên, những người đã theo dõi thị trường Nhật Bản lâu năm rất tò mò về từng động thái của Silchester. “Đó là một nhà đầu tư giá trị đúng nghĩa. Có lẽ Silchester nhìn thấy sẽ có rất nhiều cơ hội xuất hiện nếu thôi thúc các doanh nghiệp thay đổi”, Masatoshi Kikuchi, chiến lược gia đang làm việc tại công ty chứng khoán Mizuho Securities nói.
Nhà quản lý quỹ giàu nhất nhì nước Anh
Stephen Butt tốt nghiệp Đại học Oxford. Trong những năm 1990, ông làm việc tại mảng quản lý tài sản của Morgan Stanley, nơi ông đảm nhiệm nhiều vai trò trong đó có Giám đốc đầu tư (CIO). Năm 1994, ông cùng một số đồng nghiệp cũ thành lập nên Silchester, áp dụng phương pháp đầu tư tương tự như khi ông còn làm tại ngân hàng Mỹ: mua cổ phần ở những công ty bên ngoài nước Mỹ hiện đang ở mức định giá thấp hơn so với giá trị thực. Silchester thu hút được dòng tiền từ nhiều quỹ hưu trí và các gia đình giàu có. Kể cả ngày nay, hầu hết các khách hàng của quỹ là ở Mỹ.
Nhật Bản là một trong số các thị trường mà Butt và các đồng nghiệp phụ trách tại Morgan Stanley. Và khi họ thành lập Silchester, một trong những nhà đầu tư đầu tiên ủng hộ quỹ chính là công ty bảo hiểm nhân thọ Asahi Mutual Life Insurance của Nhật Bản. Hiện Silchester nắm cổ phần tại vài chục công ty Nhật, trong đó có Honda Motor, công ty quảng cáo Dentsu và những tập đoàn tài chính như Sumitomo Mitsui và Nomura.
Nếu 1 nhà đầu tư rót 100 USD vào chương trình đầu tư cổ phiếu quốc tế của Silchester từ ngày 31/12/1994, tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, họ sẽ có 2.031 USD (chưa trừ phí quản lý danh mục). Như vậy Silchester có thể mang lại cho nhà đầu tư lợi suất 1.931%, tương đương 10,9% mỗi năm, vượt trội so với mức tăng của MSCI EAFE Index, chỉ số theo dõi các thị trường phát triển gồm châu Âu, Australia, Israel và các nước thuộc vùng Viễn Đông.
Hiện Butt và gia đình có tài sản ít nhất 750 triệu USD, biến ông thành một trong những nhà quản lý tiền tệ giàu nhất nước Anh.