Mở rộng thị phần nội địa cho doanh nghiệp xuất khẩu
Trong khi xuất khẩu giảm sút, thị trường nội địa với nhiều tiềm năng trở thành “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chuyên doanh nông sản đặc sản.
Miến dong thương hiệu Tài Hoan là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao và là sản phẩm đặc sản tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn. Sau nhiều năm xuất khẩu thành công, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường khó tính châu Âu thì từ giữa năm nay, miến dong Tài Hoan được quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ ở thị trường nội địa.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, thúc đẩy xúc tiến đưa miến dong đặc sản của tỉnh vào hệ thống phân phối trong nước cũng là góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bởi nguồn cung mặt hàng này của Bắc Kạn rất lớn. Đồng thời, giao lưu liên kết và tìm hiểu nhu cầu thị trường nội địa để doanh nghiệp có thể thích ứng nhu cầu của các hệ thống phân phối.
Mặc dù ban đầu còn có nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận do thị trường trong nước có đặc thù khác với xuất khẩu nhưng miến dong Tài Hoan đã được chấp nhận đưa vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Theo ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, sản phẩm có mặt trên kệ hàng của các siêu thị Co.op Mart tại Hải Phòng, Hà Nội và chuỗi 40 cửa hàng Co.op Food của hệ thống tại Hà Nội sau khi giải quyết các vấn đề kỹ thuật của hệ thống. Ngoài Saigon Co.op, một số hệ thống phân phối lớn ở trong nước quan tâm và tiếp cận, mở ra cơ hội để với nhà sản xuất sản phẩm OCOP 5 sao đưa hàng hoá của mình vào siêu thị lớn, mở rộng thị phần, gia tăng sản xuất.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thêm, thời gian gần đây, không chỉ có các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam đã quay lại thị trường nội địa và có mong muốn kết nối với các hệ thống phân phối lớn để mở rộng thị phần.
“Các hệ thống phân phối trong nước, bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp trong nước đều tạo cơ hội cho hàng hoá đặc sản chất lượng cao - tinh hoa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ. Cơ cấu hàng Việt tại hệ thống phân phối bán lẻ trong nước hiện khoảng 80%, trong đó các mặt hàng thực phẩm chiếm đến gần 90%”, bà Lê Việt Nga cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: thị trường nội địa của chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển với dân số lớn (đạt mốc 100 triệu dân), tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều tạo nên sức mua lớn. Ngay cả trong thời điểm khó khăn do chịu tác động của suy thoái kinh tế hiện nay, nhiều tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, mở rộng kinh doanh thì không có lý gì lại không có cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá chất lượng cao của Việt Nam mở rộng thị phần.
Chẳng hạn như một số doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản có giá trị gia tăng lớn, từ nhiều năm nay, tiêu dùng trong nước đã trở thành kênh phân phối hàng hoá quan trọng, bên cạnh kênh xuất khẩu. Thậm chí, có những doanh nghiệp, thị phần trong nước chiếm đến 40% doanh thu, góp phần đa dạng kênh phân phối cho doanh nghiệp, không bị phụ thuộc vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, cơ hội này không dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu. Từ thực tế xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga và đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp nhấn mạnh, việc cung ứng hàng hoá cho hệ thống phân phối nội địa có một số khác biệt lớn so với xuất khẩu. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu khi thâm nhập thị trường trong nước khá bỡ ngỡ, không biết bắt đầu từ đâu, kết nối cung ứng sản phẩm cho ai…, nhất là với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng theo đơn đặt hàng của đối tác.
Do thói quen tiêu dùng, sở thích mua sắm của người tiêu dùng trong nước có điểm khác biệt, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp thành công là tìm hiểu thị trường. Đây là khâu mất thời gian, tốn kém nhưng không ít doanh nghiệp chủ quan hoặc cho rằng mình đã quá hiểu rồi hoặc cho rằng không cần thiết nên bỏ qua. Tuy nhiên, các hệ thống phân phối nước ngoài làm rất tốt điều này, qua đó điều chỉnh kịp thời sản xuất, sản phẩm, kinh doanh...
Thứ hai là kết nối để nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới, những yếu tố tác động đến thị trường sản phẩm, những chính sách, cam kết của Việt Nam và xu hướng thế giới về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất trên cơ sở đó có thể cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng bao gói sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu và xu hướng thị trường.
Ngay trong một ngành hàng như thuỷ sản chẳng hạn, khâu kết nối quan trọng bởi vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất thường đặt ở khu vực miền Nam, miền Trung nhưng khi đưa hàng ra miền Bắc - thị trường tiêu thụ lớn thì đã có sự khác biệt về thói quen tiêu dùng, khẩu vị, cách thưởng thức… Nếu có sự điều chỉnh kịp thời, nhất là hàng hoá chế biến thì dễ dàng được khách hàng chấp nhận và ủng hộ.
14 triệu nhà đầu tư Hàn Quốc ‘bỏ rơi’ thị trường nội địa, đổ xô mua cổ phiếu Tesla, Nvidia
Bảo vệ ngành thép trong nước là cần thiết để có một sân chơi bình đẳng