PGS. TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt có nguy cơ 'lép vế' trước cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ
Trong bối cảnh chính sách thuế quan từ Mỹ có thể "dồn" hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sang Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh gay gắt. PGS. TS Trần Đình Thiên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình này.
Trong buổi tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước", ngày 25/5, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định trước tác động thuế quan của Mỹ, việc củng cố và phát triển thị trường trong nước trở thành yếu tố cốt lõi, mang tính quyết định cho sự ổn định và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp trong nước hiện nay đang tập trung nguồn lực chủ yếu vào việc đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, và tương lai phát triển của khối doanh nghiệp này cũng gắn liền mật thiết với "sân nhà"- nơi đang tạo ra tới 84% việc làm.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, việc Hoa Kỳ áp đặt thuế quan, làm "bít cửa" đường xuất khẩu của hàng hóa Trung Quốc, còn tiềm ẩn một nguy cơ đáng ngại khác cho chính Việt Nam.
Ông Thiên nêu rõ, dữ liệu cho thấy trong cấu trúc GDP, khu vực tư nhân chiếm sản lượng 51% còn khu vực FDI chiếm 20-22%. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ chiếm 25-27%, trong đó khu vực FDI chiếm hơn 70%. Kim ngạch xuất khẩu tương đương GDP của Việt Nam. Do đó, nếu phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có nguy cơ bị suy giảm đáng kể.
"Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump không chỉ nhằm vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc, mà còn trực tiếp tác động đến sức mua của thị trường nội địa Trung Quốc. Thị trường tiêu dùng nội địa của họ hiện đang suy yếu, và việc thay đổi mô hình phát triển trong thời gian ngắn là điều khó khả thi", ông Thiên phân tích.
![]() |
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh minh hoạ. |
>>>Giá chung cư cũ Hà Nội rẻ hơn 50% so với căn hộ mới, Đông Anh tăng mạnh nhất quý I/2025
Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ tiêu dùng so với GDP khá cao, nhưng cấu trúc thị trường lại tồn tại nhiều "nút thắt", làm chậm tốc độ lưu thông hàng hóa và kéo theo vòng quay tiền tệ ở mức thấp.
PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh rằng, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có những tác động không nhỏ đến thị trường nội địa Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Trong ngắn hạn, tình trạng suy giảm của thị trường láng giềng khổng lồ này thực sự là một rủi ro đáng lưu tâm đối với Việt Nam.
Vị chuyên gia dẫn chứng, việc sàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, Temu, vừa đặt chân vào thị trường Việt Nam đã tạo ra những biến động đáng kể. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi: liệu các chính sách ưu đãi và tín dụng hiện hành có đủ sức giúp các doanh nghiệp Việt Nam đứng vững và cạnh tranh hiệu quả với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng đến từ Trung Quốc hay không?
Ông nhận định, tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam khá cởi mở, cứ "hàng rẻ, hàng ngon, đẹp" là được ưu tiên dùng. Do đó, một khi hàng hóa Trung Quốc gặp rào cản tại thị trường Mỹ, nguy cơ "đổ bộ" ồ ạt vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ tạo ra một áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các doanh nghiệp nội địa, vốn đang xem thị trường trong nước là nguồn sống chính.
Về các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, chúng ta đã không ít lần đề cập đến việc khuyến khích người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, PGS. TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra, nếu các sản phẩm trong nước không đảm bảo được lợi thế cạnh tranh về giá cả và chất lượng, thì việc chiếm lĩnh thị trường là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, tâm lý "sính ngoại" vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam, một phần do quan niệm truyền thống rằng hàng xuất khẩu thường có chất lượng vượt trội hơn so với hàng sản xuất trong nước.
"Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần một sự thay đổi căn bản trong tư duy sản xuất, hướng đến việc tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ chính người dân trong nước. Chỉ khi đó, hàng hóa Việt mới có thể thực sự chiếm được cảm tình và sự tin dùng của người tiêu dùng", ông Thiên nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Thiên cũng chỉ ra rằng, cần thiết phải tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi, mang tính nền tảng của nền kinh tế như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sự phát triển của ngành công nghiệp, và cấu trúc của hoạt động thương mại. Ông khẳng định, đây là những yếu tố sống còn, đòi hỏi Việt Nam phải có một tư duy đổi mới, xem xét lại toàn bộ cấu trúc phát triển hiện tại để đảm bảo sự tồn tại và thịnh vượng trong tương lai.
Trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu, một giải pháp cấp thiết cho Việt Nam là chủ động "bơm tiền" vào nền kinh tế nhằm khơi thông dòng chảy đầu tư, tăng cường thanh khoản trên thị trường. Đây được xem là một biện pháp căn bản để vực dậy và củng cố thị trường vốn đang gặp nhiều thách thức.
>>>Loại hình bất động sản nào vẫn 'mắc kẹt' ở vùng đáy giữa lúc thị trường dần ấm lên?