Một phân khúc bất động sản giảm giá đến 50% vẫn vắng bóng người mua
Sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng, vướng mắc pháp lý... đã gây ra nhiều trở ngại cho phân khúc bất động sản này trong những tháng đầu năm 2024.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang trong giai đoạn sale "sập sàn"
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2024 của DKRA Group, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ. Sức cầu chung ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm 69% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group, cho biết mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng, cục bộ có những dự án giảm sâu đến 40% - 50% nhưng vẫn khó bán.
Đáng chú ý, nguồn cung ở phân khúc nhà phố, shophouse tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục sụt giảm, hơn 97% nguồn cung sơ cấp trong quý đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Thị trường vẫn chưa thoát khỏi "vùng tối" dù ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư, cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp.
Ở loại hình condotel nguồn cung sơ cấp tăng 51% so với cùng kỳ, phần lớn nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ (chiếm hơn 66%). Bên cạnh đó, nguồn cung mới cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể - hơn 25 lần so với cùng kỳ.
Đặc biệt là loại hình này tập trung cục bộ ở tỉnh Khánh Hoà. Lượng tiêu thụ đặc biệt tăng đến 6,8%, đạt 2.062 căn. Tuy nhiên giao dịch chỉ tập trung cục bộ tại 1 dự án mới mở bán trong quý.
Bất động sản nghỉ dưỡng giảm giá đến 50% vẫn vắng bóng người mua |
Chuyên gia nhận định bất động sản nghỉ dưỡng cần thêm thời gian tái nhập
Dẫn tin từ tạp chí Tài Chính, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần thêm thời gian để có thể tái nhập cuộc. Hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án hạ tầng... đang được đẩy nhanh tiến độ, dự báo sẽ bơm thêm nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường. Từ đó, giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường.
Giải quyết khó khăn cho phân khúc này, ngoài việc tìm hướng đi từ du lịch, một số ý kiến cho rằng thu hút dòng kiều hối cũng là một giải pháp. Bởi lẽ, khác với xu hướng chung trong nước, dòng vốn kiều hối lại có xu hướng đổ vào những phân khúc "thanh khoản khó", giá trị cao như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Theo các chuyên gia, các sản phẩm “kén khách” này được Việt kiều “ưa chuộng” bởi họ có khả năng chi trả, mua để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc dưỡng già.
Bên cạnh đó, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Group cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang thiếu các yếu tố để hồi phục.
Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn để phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khách hàng muốn mua các sản phẩm này cũng bị hạn chế cho vay từ phía ngân hàng.
Thứ hai, thời gian qua, khi mở bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư luôn đưa ra chính sách lợi nhuận cũng như thuê lại của khách hàng để khai thác và cam kết trả lợi nhuận cao mỗi năm. Tuy nhiên, những cam kết này không được thực hiện nghiêm túc, nên làm giảm sức hút với nhà đầu tư.
Thứ ba, ở phân khúc này, khách hàng chủ yếu là đầu tư cho thuê hoặc mua để bán lại. Từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bị đóng băng, nhà đầu tư không thể ra hàng khi mua sản phẩm này, nên e ngại đầu tư.
>> TP. HCM dự chi hàng trăm tỷ để mở rộng đường ở cửa ngõ phía Đông