Mỹ vững ngôi cường quốc số 1 thế giới: Tăng trưởng GDP gấp đôi châu Âu suốt 20 năm, bí quyết nằm ở đâu?
Trong 2 thập kỷ qua, Mỹ đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao gấp đôi so với Eurozone.
Từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ bắt đầu vượt lên so với châu Âu. Xu hướng đó càng được củng cố trong thời đại dịch Covid -19, sẽ tiếp diễn trong năm 2024 và xa hơn nữa, theo tờ Financial Times nhận định.
Trung tuần tháng 10, Quỹ tiền tệ IMF trở thành tổ chức mới nhất tuyên bố kinh tế Mỹ sẽ giữ vững vị trí số 1 thế giới với mức tăng trưởng 1,5% trong năm tới. IMF dự báo châu Âu sẽ chỉ tăng trưởng 1,2%.
Đâu là nguyên nhân khiến 2 khu vực giàu có nhất của kinh tế thế giới cách xa nhau đến vậy? Trong 2 thập kỷ qua, Mỹ đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao gấp đôi so với Eurozone.
Có nhiều nguyên nhân mang cả tính chu kỳ và tính cấu trúc. Có những yếu tố ngắn hạn như biện pháp kích thích hậu đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng bên cạnh đó là những nguyên nhân sâu xa hơn như khả năng tiếp cận tín dụng và các xu hướng đầu tư, cùng với đặc điểm về dân số và cơ cấu công nghiệp.
Gói kích thích mạnh mẽ hơn giúp chi tiêu bùng nổ
Trong đại dịch, các quan chức ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đã tung ra các gói kích thích tài khóa khổng lồ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế biến thành khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, Mỹ đã triển khai kích thích ở quy mô lớn hơn. Sau khi ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức 2 con số trong năm 2020, Mỹ vẫn có thâm hụt lên tới 9,4% GDP trong năm 2021, cao hơn gần gấp đôi so với Eurozone.
Tăng trưởng GDP của Mỹ vượt trội so với châu Âu và Anh (GDP Q4/2023=100) |
Nguồn tiền lớn đã hoạt động hiệu quả, giúp chi tiêu tiêu dùng hồi phục mạnh và đó là một trong những lý do lớn nhất lý giải tại sao kinh tế Mỹ lại tăng trưởng mạnh đến vậy.
Ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine
Theo Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng IMF, còn có một số lý do khác khiến các hộ gia đình châu Âu thận trọng hơn người tiêu dùng Mỹ, trong đó có chiến tranh ở Ukraine.
Châu Âu đã trải qua 1 cú sốc năng lượng tồi tệ. Giá bán buôn khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục và cao hơn nhiều so với Mỹ.
Mỹ có lĩnh vực công nghệ bùng nổ
Có nhiều điểm khác biệt trong cấu trúc kinh tế Mỹ và châu Âu. Mỹ có ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ với những công ty đầy sáng tạo và thành công như Amazon, Alphabet và Microsoft. Châu Âu chưa có được những tên tuổi tương đương. Và với việc Mỹ thống trị trí tuệ nhân tạo như hiện nay, khoảng cách sẽ ngày càng nới rộng.
Ngược lại, những ngành vốn là thế mạnh của châu Âu đang ngày càng chịu nhiều đe dọa từ Trung Quốc, ví dụ như xe điện.
“Châu Âu, đặc biệt là Đức, đã hưởng lợi lớn từ toàn cầu hóa. Nhưng từ năm 2018 điều đó đã kết thúc khi toàn cầu hóa bị bẻ ngược”, Christian Keller, trưởng nhóm nghiên cứu tại Barclays nhận định.
Mỹ cũng đang nhanh nhẹn hơn trong việc chuyển sang nền kinh tế xanh. Đạo luật giảm lạm phát IRA trị giá 369 tỷ USD đã giúp thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh. Trong khi đó phản ứng của châu Âu chậm chạp hơn và khó triển khai hơn.
Bị thu hút bởi IRA, một số công ty châu Âu gồm Total Energies, BMW và Northvolt đã chuyển sang đầu tư vào Mỹ.
Mỹ hút mạnh vốn đầu tư toàn cầu
Với môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư mạo hiểm và thị trường chứng khoán phát triển hơn, các công ty Mỹ dễ dàng huy động vốn hơn nhiều so với các đối thủ châu Âu vốn chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Châu Âu cũng chìm trong khủng hoảng nợ công và phải thắt chặt chính sách tài khóa, từ đó ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động đầu tư.
Chỉ riêng trong lĩnh vực AI, vốn đầu tư mạo hiểm trong thập kỷ vừa qua đã vượt 450 tỷ USD, gấp gần 10 lần so với Eurozone theo dữ liệu của OECD.
Ngoài vốn, công ty Mỹ cũng dễ dàng mở rộng nhờ thị trường nội địa sử dụng cùng 1 ngôn ngữ (khác với châu Âu đa ngôn ngữ) và hệ thống pháp luật đồng nhất. Dù đã là 1 thị trường chung, châu Âu vẫn phân mảnh, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.
Xã hội già nua và thị trường lao động yếu
Với dân số già đi nhanh chóng trong khi tỷ lệ sinh thấp, nền tài chính công của châu Âu đang phải chịu gánh nặng rất lớn. Trong khi đó Mỹ có lực lượng lao động liên tục mở rộng từ năm 2010 đến nay dù tốc độ ngày càng chậm lại.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong các thập kỷ tới.
Trong vài chục năm gần đây, kinh tế châu Âu được hậu thuẫn đáng kể bởi việc có nhiều hơn phụ nữ và người già tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên có vẻ điều này đã tới hạn, không thể tăng lên được nữa.
Mỹ sẽ mãi mãi bỏ xa châu Âu?
Trong trung hạn, nhiều chuyên gia nhận định khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ nới rộng hơn nữa. Tuy nhiên, mức thâm hụt ngân sách quá cao của Mỹ (được dự báo sẽ tăng từ 97% GDP như hiện nay lên 119% GDP vào năm 2033) là 1 mối nguy lớn.
Trong dài hạn, chắc chắn Mỹ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn để thắt lưng buộc bụng và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nhận định.
Chọn trúng cổ phiếu tăng giá 4.000.000%, cụ ông trở thành tỷ phú và lọt top giàu nhất nước Mỹ
Nga thông báo cho Mỹ 30 phút trước khi bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine
Phản ứng của Mỹ và Israel đối với lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu từ ICC