Thế giới

Năng suất lao động thấp chưa từng thấy, nước Anh thiệt hại 327 tỷ USD

Vũ Bấc 13/06/2024 - 16:34

Người lao động tại Anh có xu hướng "nghỉ việc trong thầm lặng" và không muốn cống hiến cho công việc, khiến nền kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại mỗi năm.

Nền kinh tế Anh đã mất hơn 257 tỷ bảng Anh (327 tỷ USD) sản lượng tiềm năng trong năm 2023 do người lao động mất động lực làm việc. Dữ liệu cũng cho thấy nước Anh đang đối diện với cuộc khủng hoảng năng suất nghiêm trọng khiến nền kinh tế tụt hậu so với các nước tiên tiến khác trên thế giới.

Báo cáo nghiên cứu gần đây của Gallup (Tổ chức tư vấn và phân tích lao động đa quốc gia của Mỹ) tiết lộ rằng chỉ có 1 trong 10 công nhân ở Anh “tận tâm” với công việc, nỗ lực nhiều hơn những nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, năng suất của người lao động nước này nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng trong OECD, kém xa Pháp, Đức và Hoa Kỳ; thậm chí ngay dưới mức trung bình của khu vực đồng Euro; và chỉ dẫn trước Ý và Tây Ban Nha không đáng kể. Từ năm 2010 đến năm 2022, mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong GDP trên mỗi giờ làm việc của Vương quốc Anh chỉ là 0,5% và có rất ít dấu hiệu cải thiện trong những năm gần đây.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Vương quốc Anh đã giảm xuống dưới mức trung bình toàn cầu là 23%, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với vị trí trước đây. Anh từng là quốc gia có tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động cao thứ hai trong các nước G7.

Năng suất lao động thấp chưa từng thấy, nước Anh thiệt hại 327 tỷ USD
Những lí do nào khiến nhiều người lao động tại Anh ngày càng "chống đối" công việc?

Các nhà nghiên cứu của Gallup đã xác định sự suy giảm này là kết quả của "những người bỏ cuộc trong im lặng", những nhân viên chỉ làm những công việc tối thiểu nhưng vừa đủ để giữ được công việc. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng một số không nhỏ người lao động có thái độ tiêu cực và phản đối mọi quyết định của ông chủ, càng làm cho tình trạng mất gắn kết chung nơi làm việc thêm nghiêm trọng.

Nguyên nhân do đâu?

Dữ liệu vĩ mô cho thấy Vương quốc Anh đã trải qua sự suy giảm tăng trưởng đầu tư trên diện rộng trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả vốn công và tư nhân. Đầu tư yếu diễn ra ở khắp các ngành, nhưng đặc biệt đáng chú ý là trong lĩnh vực sản xuất, tài chính, bảo hiểm và dịch vụ kinh doanh - đều là những ngành mũi nhọn trong GDP nước này.

Đầu tư cho đào tạo và phát triển kỹ năng của người lao động – hoặc tạo ra nguồn nhân lực cũng đang giảm theo từng năm. Bất chấp sự gia tăng về tỷ lệ người có trình độ học vấn cao hơn trong lực lượng lao động, việc thiếu đầu tư đã khiến nhiều công ty ở Anh rơi vào tình trạng người lao động kỹ năng thấp, lương thấp, năng suất thấp.

Điều này đã tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi nhu cầu về các kỹ năng cấp cao biến mất thì động cơ cung cấp các kỹ năng đó thông qua giáo dục và đào tạo cũng giảm theo. Điều này giải thích xu hướng giảm sút của các công ty cung cấp dịch vụ đào tạo nghề, kéo theo đó là sụt giảm chất lượng và động lực của người lao động khi có được công việc.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Jeremie Brecheisen của Gallup, tình trạng suy giảm năng suất đã càng trở nên trầm trọng hơn trong bầu không khí chính trị khủng hoảng của đảng Bảo thủ đang cầm quyền nước Anh. Điều này không chỉ gây ra bất ổn, sâu xa hơn, nó khiến nhiều người người lao động cảm thấy bị phớt lờ bởi các chính trị gia - người đại diện cho tính dân chủ của chính quyền.

Năng suất lao động ở mức thấp chưa từng thấy gây ra thiệt hại cho nền kinh tế Anh 327 tỷ USD
Cuộc biểu tình tại Anh năm 2023. Nguồn: Fortune

Ông cho rằng “khó có thể phủ nhận sự thất bại của Chính phủ khi khiến người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng lao động, mất niềm tin vào hệ thống”. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra vào cuối năm 2023, khi các lãnh đạo công đoàn và người lao động tại Anh cho rằng các chính trị gia đảng Bảo thủ đã khiến cho nền kinh tế và dịch vụ công trì trệ, suy thoái.

Tâm lý này được phản ánh trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào ngày 4/7, nơi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri có khả năng chấm dứt sự cầm quyền kéo dài 14 năm của Đảng Bảo thủ.

Nền kinh tế bị tác động sâu rộng

Việc lực lượng lao động Anh rời bỏ gây ra mối đe dọa đáng kể cho nền kinh tế nước này. Nghiên cứu cho thấy rằng việc rút lui này có thể khiến Vương quốc Anh thiệt hại tới 11% GDP do mất sản lượng tiềm năng.

Mức năng suất thấp còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế Anh, khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc kinh tế, đặc biệt là ở cấp khu vực. Một số vùng của nước Anh đang hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn so với trong quá khứ và so với những địa phương tương đương trên cả nước.

Theo phân tích từ Viện Năng suất của Hội đồng nghiên cứu kinh tế và xã hội Vương quốc Anh, tốc độ tăng trưởng năng suất hiện tại nếu tăng gấp đôi – tức là từ 0,5% lên 1% một năm – trong 12 năm tới cũng chỉ đủ để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP tương tự như trong thập kỷ qua. Do đó, để tăng cường cải thiện mức sống của người dân trong tương lai, tăng trưởng năng suất hàng năm của Vương quốc Anh sẽ phải tăng lên khoảng 1,5% hoặc hơn.

Để đạt được mục tiêu này, vấn đề nâng cao năng suất và khuyến khích người lao động sẽ nằm trong chương trình nghị sự hàng đầu cho chính phủ tương lai, dù là dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động hay Đảng Bảo thủ.

Trước tình hình kinh tế suy thoái nhẹ vào năm ngoái và Ngân hàng Anh dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong phần lớn năm nay, Đảng Lao động, khả năng cao chiến thắng trong cuộc bầu cử, sẽ phải đối mặt với những trọng trách xử lý những rắc rối này để phục hồi kinh tế và cải thiện mức sống cho người dân Anh.

>> Hàng nghìn tỷ USD bị cuốn trôi cùng các cú sập, nước Anh cho rằng Crypto chẳng khác gì cờ bạc!

Kinh tế Mỹ 'chùn bước' vì trụ cột quan trọng nhất của GDP 'lung lay'

Bê bối 'máu bẩn' rúng động nước Anh: Hơn 30.000 người nhiễm bệnh gan và HIV, 3.000 người tử vong, Thủ tướng phải lên tiếng xin lỗi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nang-suat-lao-dong-thap-chua-tung-thay-nuoc-anh-thiet-hai-327-ty-usd-238447.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Năng suất lao động thấp chưa từng thấy, nước Anh thiệt hại 327 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH