Thế giới

Siêu cường số 1 thế giới 'nợ ngập đầu', Moody's tước mức xếp hạng Aaa của Mỹ

Thiên Kim 17/05/2025 - 07:37

“Dù chúng tôi thừa nhận Mỹ có sức mạnh kinh tế và tài chính rất lớn, nhưng những yếu tố này không còn đủ để bù đắp cho sự suy giảm trong các chỉ số tài khóa”, Moody’s nêu trong tuyên bố.

Mỹ vừa bị Moody’s Ratings tước bỏ mức tín nhiệm cao nhất, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách ngày một nghiêm trọng sẽ làm suy yếu sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn nhất thế giới đối với dòng vốn toàn cầu, đồng thời đẩy chi phí vay nợ của chính phủ lên cao.

Hôm thứ Sáu (giờ Mỹ), Moody’s đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức Aaa xuống Aa1, qua đó đưa quốc gia này ra khỏi nhóm có xếp hạng cao nhất – tương tự động thái trước đó của Fitch Ratings và S&P Global Ratings. Động thái cắt giảm một bậc này diễn ra hơn một năm sau khi Moody’s chuyển triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ "ổn định" sang "tiêu cực". Hiện tổ chức này đã đưa triển vọng trở lại mức ổn định.

“Dù chúng tôi thừa nhận Mỹ có sức mạnh kinh tế và tài chính rất lớn, nhưng những yếu tố này không còn đủ để bù đắp cho sự suy giảm trong các chỉ số tài khóa”, Moody’s nêu trong tuyên bố.

Moody’s chỉ trích các đời Tổng thống cùng Quốc hội Mỹ đã để tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài và gia tăng, mà theo cơ quan này là “chưa có dấu hiệu dừng lại”. Cùng ngày, các nhà lập pháp tại Washington vẫn đang tiếp tục đàm phán một dự luật chi tiêu – thuế quy mô lớn, dự kiến sẽ khiến nợ liên bang tăng thêm hàng nghìn tỷ USD trong những năm tới.

Siêu cường số 1 thế giới 'nợ ngập đầu', Moody's tước mức xếp hạng Aaa của Mỹ - ảnh 1
Quả bom nợ công của nước Mỹ ngày càng phình to

Thị trường tài chính lập tức phản ứng

Bộ Tài chính Mỹ và Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận trước quyết định hạ bậc tín nhiệm của Moody’s.

Tuy nhiên, thị trường tài chính đã lập tức phản ứng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên mức 4,49%, trong khi quỹ ETF theo dõi chỉ số S&P 500 giảm 0,6% trong phiên giao dịch ngoài giờ.

“Việc bị hạ tín nhiệm có thể cho thấy nhà đầu tư sẽ đòi hỏi mức lợi suất cao hơn đối với trái phiếu kho bạc Mỹ”, bà Tracy Chen – giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management – nhận định.

Bà cho biết sau các lần bị hạ tín nhiệm trước đây từ Fitch và S&P, tài sản Mỹ vẫn có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, “còn phải chờ xem liệu thị trường lần này có phản ứng khác đi hay không, bởi vai trò trú ẩn an toàn của trái phiếu kho bạc và đồng USD hiện đang đối mặt với nhiều nghi ngờ”.

Động thái hạ bậc tín nhiệm của Moody’s diễn ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đang tiệm cận mức 2.000 tỷ USD/năm – tương đương hơn 6% GDP. Một nền kinh tế suy yếu do hậu quả của cuộc chiến thuế quan toàn cầu càng khiến thâm hụt có nguy cơ tăng thêm, khi chính phủ phải mở rộng chi tiêu để kích thích tăng trưởng.

Tình hình càng đáng lo ngại khi tổng nợ công của Mỹ đã vượt quy mô nền kinh tế, hậu quả từ chính sách vay mượn ồ ạt trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Việc lãi suất tăng cao trong vài năm qua cũng khiến chi phí trả lãi nợ của chính phủ ngày càng lớn.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã cảnh báo trước Quốc hội rằng nước Mỹ đang đi trên một lộ trình không bền vững: “Các con số nợ công thực sự đáng sợ”, ông nói, “một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra nếu nền kinh tế bất ngờ bị bóp nghẹt vì tín dụng biến mất”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cam kết “không để điều đó xảy ra”.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy một dự luật thuế mới, bao gồm việc gia hạn một số điều khoản thuộc Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng kiểm soát tốc độ chi tiêu của chính phủ. Ủy ban Hỗn hợp về Thuế của Quốc hội ước tính gói luật này sẽ tiêu tốn khoảng 3.800 tỷ USD trong 10 năm tới – mặc dù các chuyên gia độc lập cho rằng chi phí thực tế có thể còn cao hơn nếu các điều khoản tạm thời được kéo dài thêm.

Quả bom nợ ngày càng phình to

Ông Joseph Lavorgna – cựu cố vấn kinh tế tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump – cho rằng việc Moody’s hạ tín nhiệm Mỹ vào thời điểm này là “rất kỳ lạ”, nhất là khi Quốc hội đang trong quá trình xây dựng một dự luật tài khóa quy mô lớn.

Theo ông Lavorgna, hiện là chuyên gia kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities chi nhánh Mỹ, tỷ lệ nợ công bằng 100% GDP “không phải điều bất thường” nếu đặt trong bối cảnh toàn cầu.

“Mỹ là nền kinh tế công nghiệp phát triển nhanh nhất và có năng suất trên đầu người cao nhất”, ông nhấn mạnh. “Vì vậy, việc hạ tín nhiệm là điều không hợp lý”.

Siêu cường số 1 thế giới 'nợ ngập đầu', Moody's tước mức xếp hạng Aaa của Mỹ - ảnh 2
Tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ được dự báo sẽ tăng vọt, vượt kỷ lục lập năm 1946

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hồi tháng 1 cảnh báo rằng chính phủ liên bang đang trên đà vượt qua mức nợ công kỷ lục từng được thiết lập sau Thế chiến II — dự kiến chạm ngưỡng 107% GDP vào năm 2029, tức chỉ trong vòng 4 năm tới.

Đây sẽ là mức nợ cao nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, phản ánh xu hướng chi tiêu vượt xa nguồn thu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn và lãi suất duy trì ở mức cao.

Theo Moody’s, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tiếp tục nới rộng, từ mức 6,4% GDP năm 2024 lên gần 9% GDP vào năm 2035. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ba yếu tố: chi phí trả lãi nợ tăng, chi tiêu phúc lợi xã hội ngày càng lớn và hiệu quả huy động ngân sách sụt giảm.

Moody’s cũng chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu kho bạc cao – dao động trong khoảng 4–5%, tương đương giai đoạn trước khủng hoảng tài chính 2007 – đang làm xói mòn tính bền vững tài khóa của Mỹ.

Động thái hạ tín nhiệm này đã được Moody’s phát tín hiệu từ tháng 11/2023, khi cơ quan này hạ triển vọng xếp hạng của Mỹ từ "ổn định" xuống "tiêu cực" nhưng vẫn giữ mức tín nhiệm Aaa. Theo thông lệ, sau khi triển vọng bị hạ, hành động cắt giảm xếp hạng thường diễn ra trong vòng 12–18 tháng.

Moody’s là cơ quan cuối cùng trong nhóm ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn chính thức hạ bậc tín nhiệm Mỹ. Trước đó, Fitch đã cắt giảm tín nhiệm của Mỹ xuống AA+ vào tháng 8/2023, với lý do tranh cãi chính trị về trần nợ đẩy chính phủ đến bờ vực vỡ nợ.

S&P Global Ratings là đơn vị đầu tiên giáng cấp tín nhiệm Mỹ từ mức AAA xuống AA+ hồi năm 2011, và từng bị Bộ Tài chính Mỹ chỉ trích mạnh mẽ sau động thái đó.

>> ‘Đòn thuế’ của ông Trump lộ điểm yếu trước sự cứng rắn của Trung Quốc

Đánh bại G7, dự kiến vượt Mỹ, BRICS chính thức lập dấu mốc lịch sử

Mỹ được đại gia Trung Đông cam kết rót 500 tỷ USD, ông Trump thắng lớn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sieu-cuong-so-1-the-gioi-no-ngap-dau-moodys-tuoc-muc-xep-hang-aaa-cua-my-142579.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siêu cường số 1 thế giới 'nợ ngập đầu', Moody's tước mức xếp hạng Aaa của Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH