Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới suy thoái, dân đổ xô mua xe đạp thay vì ô tô
Gần đây, doanh số bán xe đạp ở Đức tăng cao đột biến trong bối cảnh không ít người dân đang phải “thắt lưng buộc bụng”.
Theo ký giả Will Wallace của nhật báo nổi tiếng The Telegraph, người Đức đang mua nhiều xe đạp hơn và ít sắm ô tô hơn vì tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước Tây Âu này khiến các hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng đắt tiền.
Một "đòn giáng mạnh" nữa vào ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó khăn của Đức là nghiên cứu mới cho thấy doanh số bán ô tô đang chậm lại và khó có thể cải thiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều này không giống với doanh số bán xe đạp, vốn có nhu cầu tăng cao trong thời gian gần đây.
>> Xưởng lắp ráp xe ở Lạng Sơn bị thiêu rụi
Ngành sản xuất ô tô của Đức đang phải vật lộn với chi phí năng lượng cao, nhu cầu yếu từ thị trường lớn Trung Quốc và sự chuyển dịch của người tiêu dùng từ xe xăng sang xe điện.
Xu hướng này cũng phản ánh thách thức mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải đối mặt, khi Đảng Dân chủ Xã hội của ông đang chịu áp lực từ sự gia tăng ủng hộ dành cho phe cực hữu trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo về các nhà bán lẻ, các hộ gia đình Đức không chỉ cắt giảm việc mua ô tô trong tháng 9 vừa qua mà còn tránh xa các hàng hóa như đồ nội thất và quần áo.
Ngược lại, các nhà bán lẻ bán xe đạp báo cáo doanh số bán hàng đang cải thiện, cũng tương tự là tình hình tươi sáng ở các cửa hàng tạp hóa và đồ điện tử tiêu dùng.
Nhìn chung, đánh giá của các nhà bán lẻ cho thấy tình hình kinh tế Đức tiếp tục giảm sút vào tháng 9, đồng thời họ cũng dự đoán trong tương lai gần, tình hình cũng có thể trở nên tồi tệ hơn.
>> Người Việt Nam đầu tiên đi xe đạp, được lên cả báo của Pháp
Ông Patrick Hoppner của Ifo cho biết nhu cầu không thể sớm phục hồi và người lao động có thể sẽ phải chịu thiệt hại.
“Người tiêu dùng đang bất an về môi trường chính sách kinh tế”, ông giải thích. “Điều đó có nghĩa là không thể mong đợi sự tăng trưởng năng động hơn nữa trong chi tiêu của người tiêu dùng tư nhân trong phần còn lại của năm 2024”.
“Trong một môi trường kinh doanh khó khăn, các nhà bán lẻ ngày càng thấy ít cơ hội tăng giá. Việc làm cũng sẽ giảm thay vì tăng trong ngắn hạn”, ông Hoppner dự đoán.
Nhu cầu yếu cũng dẫn đến sự sụt giảm hoạt động trên khắp các nhà máy của Đức. Theo Cục Thống kê Liên bang, đơn đặt hàng sản xuất trong tháng 8 đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ đơn hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn mà đơn hàng trong nước của Đức – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020.
So với tháng 7, tổng đơn đặt hàng đã giảm 5,8%, với nhu cầu trong nước giảm hơn 10% trong tháng.
Bà Jane Foley, một chiến lược gia tại ngân hàng Rabobank, cho rằng nền kinh tế nói chung có thể đã suy giảm trở lại trong quý gần đây nhất. Bà nói: “Báo cáo tài chính nêu bật rủi ro rằng đất nước này (Đức) có thể đã quay trở lại suy thoái trong quý III".
Thông tin này xuất hiện sau khi Ngân hàng Trung ương Đức gần đây cảnh báo rằng đất nước này có thể có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế trở lại.
Theo trang thống kê Statista.com, Đức vẫn đang là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 là 4.591,1 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ (28.781,08 tỷ USD) và Trung Quốc (18.532,63 tỷ USD). Quốc gia Tây Âu này đã chiếm vị trí trong Top 3 nền kinh tế lớn nhất từ tay Nhật Bản (4.110,45 tỷ USD), đối thủ Đông Á đã bị họ vượt mặt vào năm 2023.
Theo The Telegraph/Yahoo! Finance