Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay, người dân làm 2-3 công việc vẫn không đủ sống
Nhiều người trẻ ở Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định, dù là bán thời gian hay toàn thời gian. Các nhà tuyển dụng ngày càng rút ngắn ca làm để tránh phải cung cấp phúc lợi, khiến thu nhập của lao động trẻ trở nên bấp bênh.
Công việc bán thời gian nhưng không đủ sống
Trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người trẻ than phiền về tình trạng này. Một ứng viên viết: "Hiện nay, hầu hết công việc bán thời gian đều bị chia nhỏ thành các ca ngắn. Tôi muốn làm toàn thời gian, nhưng không có cơ hội nào, nên có lẽ phải tìm thêm một công việc khác".
Một người khác chia sẻ: "Tôi tìm việc khắp các cửa hàng tiện lợi gần nhà nhưng rất khó có ca làm dài. Hầu hết chỉ kéo dài khoảng 3 giờ/ngày, không đủ để có thu nhập ổn định".
Xu hướng này được phản ánh qua các số liệu chính thức. Năm ngoái, số lao động làm từ 1 đến 14 giờ mỗi tuần đạt mức cao kỷ lục 1,74 triệu người, chiếm 6,09% tổng số lao động – lần đầu tiên vượt quá 6%. Trong khi đó, tỷ lệ việc làm của thanh niên giảm 1,5 điểm phần trăm vào tháng 1 so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cắt ca để tránh phúc lợi
Các chuyên gia lao động chỉ ra rằng nhiều chủ doanh nghiệp cố tình giảm giờ làm để không phải cung cấp quyền lợi cho nhân viên. Theo luật lao động Hàn Quốc, những người làm dưới 15 giờ/tuần không được hưởng lương ngày nghỉ, nghỉ phép năm hay trợ cấp thôi việc.
Hệ quả là nhiều công ty chỉ tuyển nhân viên làm ca ngắn. Ví dụ, một cửa hàng tiện lợi ở quận Nowon, Seoul đăng tin tuyển dụng cho ca làm chỉ 9 giờ/tuần, chia thành hai ngày. Những công việc bán thời gian như vậy đang dần trở thành tiêu chuẩn.
Park, 22 tuổi, nhân viên tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, than thở: "Tôi làm ba ca tối mỗi tuần, mỗi ca chỉ ba tiếng, tiền lương không đủ sống. Nhiều bạn bè tôi cũng phải làm thêm ở tiệm bánh hoặc quán cà phê".
Nhiều người trẻ từ bỏ việc tìm kiếm việc làm
Áp lực tài chính từ việc làm thiếu ổn định đang khiến nhiều người trẻ từ bỏ việc tìm kiếm công việc. Năm ngoái, số người thuộc nhóm "thanh niên nghỉ ngơi", tức những người tự ngừng tìm việc, lên tới 421.000 người, tăng 20.000 so với năm trước.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp thực tế - bao gồm cả những người có việc nhưng không đủ sống - đã tăng lên 16,4% vào tháng 1, lần đầu tiên tăng theo năm kể từ 2021.
Trước thực trạng này, các tổ chức lao động kêu gọi Chính phủ tạo thêm việc làm ổn định cho giới trẻ. Jeon Ho-il, phát ngôn viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, cảnh báo: "Công việc dành cho người trẻ ngày càng trở nên bấp bênh. Điều này khiến nhiều người chán nản, chuyển sang đầu tư vào tiền điện tử hoặc chứng khoán với hy vọng cải thiện tài chính, nhưng nhiều trường hợp lại chịu tổn thất lớn".
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần tập trung vào việc tạo ra những công việc chất lượng cao với mức lương tốt hơn, phúc lợi đầy đủ và sự ổn định lâu dài".
Tham khảo Korea Times
Một tỉnh của Trung Quốc giàu hơn 170 nền kinh tế, đến Hàn Quốc còn xếp sau
Tình tiết mới về lệnh thiết quân luật gây tranh cãi của Tổng thống Hàn Quốc